Tiêu chảy mạn tính: Yếu tố nguy cơ phát triển bệnh trĩ
Bệnh trĩ, căn bệnh phổ biến gây nhiều phiền toái cho người bệnh, thường được biết đến với những nguyên nhân chính như táo bón, ít vận động hay yếu tố di truyền. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng tiêu chảy mạn tính, tưởng chừng như đối lập với táo bón, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh trĩ. Do đó, bằng cách chú trọng kiểm soát tiêu chảy, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trĩ và cải thiện đáng kể tình trạng nếu đã trót mắc phải.
Mục lục
Tiêu chảy mạn tính là gì?
Là căn bệnh phổ biến nhất ở trẻ em, tiêu chảy cũng thường gặp ở người lớn. Hầu như ai cũng đã từng trải qua nó, do nhiễm trùng hoặc ngộ độc thực phẩm. Căng thẳng, chế độ ăn uống, hoặc các bệnh lý đường ruột như viêm ruột thừa, hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, ung thư đại tràng,… cũng có thể dẫn đến tiêu chảy. Tiêu chảy kéo dài quá 2-4 tuần được gọi là tiêu chảy dai dẳng hoặc mãn tính. Ở người khỏe mạnh, tình trạng này có thể gây phiền toái hoặc trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với người có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm, tiêu chảy dai dẳng có thể đe dọa tính mạng.
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ không chỉ đơn thuần là vấn đề về tĩnh mạch mà còn liên quan đến sự thay đổi cấu trúc ở ống hậu môn. Nguyên nhân chính là do áp lực gia tăng tại các tĩnh mạch hậu môn hoặc trực tràng, khiến chúng bị chèn ép, ứ huyết, chảy máu và có thể sa ra ngoài. Bệnh được chia thành hai loại chính: trĩ nội (búi giãn nằm trên đường lược hậu môn) và trĩ ngoại (búi giãn nằm dưới đường lược hậu môn). Triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ bao gồm ngứa rát, chảy máu, sưng tấy và khó chịu ở vùng hậu môn.
>> Xem thêm: Phân biệt trĩ nội với trĩ ngoại
Mối liên hệ giữa tiêu chảy mạn tính và bệnh trĩ
Mặc dù táo bón thường được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ, nhưng ít ai biết rằng tiêu chảy thường xuyên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Cụ thể khi bạn dành nhiều thời gian ngồi trong nhà vệ sinh do tiêu chảy, áp lực lên hậu môn sẽ gia tăng đáng kể. Hiện tượng này xảy ra do các cơ vòng hậu môn phải hoạt động liên tục để đẩy phân ra ngoài, dẫn đến tình trạng căng giãn quá mức. Theo thời gian, áp lực gia tăng này có thể khiến các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị sưng phồng, tạo thành búi trĩ. Ngoài ra, tiêu chảy mãn tính thường đi kèm với tình trạng đi ngoài nhiều lần trong ngày, dẫn đến sự ma sát và kích ứng niêm mạc hậu môn và trực tràng. Lớp niêm mạc này vốn mỏng manh và dễ bị tổn thương. Khi bị kích ứng liên tục, niêm mạc có thể bị viêm, sưng tấy và tạo điều kiện cho búi trĩ hình thành, phát triển.
Biến chứng của bệnh trĩ do tiêu chảy mạn tính
Tiêu chảy mạn tính không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh trĩ và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là những biến chứng thường gặp của bệnh trĩ do tiêu chảy mạn tính:
- Thiếu máu: Cả trĩ nội hay ngoại đều gây nên tình trạng chảy máu khi đi vệ sinh. Do đó, bệnh trĩ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu, dẫn đến suy giảm thể trạng.
- Trĩ tắc mạch: Đây là biến chứng phổ biến của trĩ ngoại. Khi mạch máu bị vỡ, xuất huyết và hình thành cục máu đông, sẽ dẫn đến tình trạng ứ máu, búi trĩ sưng viêm và gây đau nhức dữ dội.
- Tăng khả năng mắc các bệnh hậu môn – trực tràng: Bệnh trĩ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn, áp xe hậu môn,…
Điều trị tiêu chảy mạn tính giảm nguy cơ phát triển bệnh trĩ
Tiêu chảy mạn tính – nỗi ám ảnh dai dẳng hơn 4 tuần, không chỉ gây phiền toái trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, khả năng hấp thu dinh dưỡng, gây mất nước, suy nhược cơ thể,… Để thoát khỏi tình trạng này, điều quan trọng là phải tìm ra và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp như chế độ ăn uống hợp lý, sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ,…
>> Xem thêm: Bệnh trĩ: nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị
Giảm đi ngoài, đau bụng
Thuốc cầm đi ngoài có thể được sử dụng như biện pháp hỗ trợ tạm thời trong ngắn hạn. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm diphenoxylate-atropine, bismuth, loperamide… Đối với trường hợp tiêu chảy nặng, octreotide có thể được sử dụng nhưng cần tuân theo hướng dẫn, kê đơn và phác đồ điều trị phù hợp của bác sĩ. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên lạm dụng các loại thuốc này trong thời gian dài vì có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
Điều trị nguyên nhân
Để chấm dứt tình trạng tiêu chảy mãn tính, điều quan trọng là phải xác định chính xác nguyên nhân và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Với các trường hợp tiêu chảy do nhiễm trùng, việc sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ là cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng, việc điều trị sẽ mang tính lâu dài và tuân theo một lộ trình cụ thể do bác sĩ chuyên khoa xây dựng. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tiêu chảy mãn tính. Nếu nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ chế độ ăn uống hoặc dị ứng thực phẩm, người bệnh cần theo dõi và loại bỏ những thực phẩm có hại ra khỏi khẩu phần ăn của mình.
Phòng ngừa biến chứng hoặc khả năng tái phát
Tiêu chảy mãn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất nước, suy dinh dưỡng và rối loạn điện giải. Do đó, việc bù nước và điện giải đầy đủ cho cơ thể là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi có các biểu hiện như tiêu chảy nhiều, nôn mửa, mệt mỏi, da nhăn nheo,… Trong trường hợp nặng, khi bệnh nhân không thể uống hoặc tiêu chảy khiến tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để truyền dịch tĩnh mạch. Bên cạnh việc bù nước và điện giải, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa biến chứng và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh tiêu chảy mãn tính. Chế độ ăn nên dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất để giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại sức khỏe và ngăn ngừa suy dinh dưỡng.
Cách phòng ngừa tiêu chảy mạn tính
Ngoài là yếu tố nguy cơ khiến bệnh trĩ phát triển thì khi bị tiêu chảy mãn tính, bạn còn có thể phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Do đó, cách tốt nhất là bạn cần chú ý phòng ngừa ngay từ đầu bằng cách thực hiện một số biện pháp đơn giản sau:
- Ăn chín uống sôi: Đây là nguyên tắc vàng để loại bỏ vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh.
- Rửa tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với môi trường bẩn.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Tắm rửa thường xuyên, giữ gìn nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ.
- Tránh ăn thức ăn sống: Hạn chế tối đa các món ăn như gỏi cuốn, rau sống, tiết canh,… để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Cẩn thận với nguồn nước bẩn: Tránh tiếp xúc với nước bẩn, không sử dụng nước bẩn để sinh hoạt hay chế biến thực phẩm.
Tiêu chảy cũng có thể hữu ích
Tiêu chảy, mặc dù mang lại cảm giác khó chịu, nhưng trong một số trường hợp lại đóng vai trò quan trọng như một cơ chế phòng vệ hiệu quả của cơ thể. Khi gặp phải các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus hay độc tố, cơ thể sẽ kích thích nhu động ruột, đẩy nhanh quá trình đào thải những chất độc hại này ra khỏi cơ thể, từ đó bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột khỏi viêm nhiễm. Do vậy, khi tiêu chảy do nguyên nhân thông thường, việc vội vàng sử dụng thuốc có thể cản trở cơ chế tự bảo vệ này của cơ thể. Thay vì chống lại những triệu chứng khó chịu, bạn có thể kiên nhẫn để cơ thể tự thanh lọc. Đồng thời, bạn cũng cần lưu ý bù nước đầy đủ để tránh tình trạng mất nước và điện giải, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiêu chảy mạn tính có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Áp lực gia tăng lên vùng hậu môn do đi ngoài thường xuyên và phân lỏng có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch, hình thành búi trĩ. Do đó, nếu đang gặp phải tình trạng tiêu chảy kéo dài, bạn cần chủ động đến bệnh viện/phòng khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Việc kiểm soát hiệu quả chứng tiêu chảy sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh trĩ, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho bạn.