Bệnh Crohn là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu & cách điều trị
Bệnh Crohn là một tình trạng viêm đường mãn tính của hệ tiêu hóa. Bệnh lý này có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa đến tính mạng nếu như không được điều trị. Do đó, việc hiểu và nắm rõ được các thông tin liên quan đến bệnh Crohn như nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị là cần thiết để người bệnh sớm thoát khỏi những nguy cơ có thể xảy đến.
Mục lục
Bệnh Crohn là bệnh gì?
Bệnh Crohn hay còn gọi là bệnh viêm ruột mãn tính từng vùng, là một tình trạng rối loạn tiêu hóa, khi mà các bộ phận của đường tiêu hóa bị viêm. Cụ thể, nó có thể xảy ra ở bất cứ phần nào của đường ruột từ miệng đến cuối trực tràng (hậu môn), tuy nhiên phổ biến hơn cả vẫn là phần cuối của ruột già và phần đầu của ruột non. Có thể nói, bệnh Crohn là một dạng bệnh viêm ruột (IBD) hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích.
Theo thống kê, cả đàn ông và phụ nữ đều có khả năng bị bệnh Crohn như nhau. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán phổ biến ở thanh thiếu niên và người lớn trong độ tuổi từ 20 đến 30.
Phân loại bệnh Crohn
Theo Tổ chức Crohn’s and Colitis Foundation của Mỹ (CCFA), bệnh Crohn được chia thành 5 loại chính như sau:
- Viêm hồi đại tràng: Đây là loại phổ biến nhất, ảnh hưởng đến phần cuối của ruột non và ruột già hoặc ruột kết.
- Viêm hồi tràng: Tương tự như viêm hồi đại tràng, viêm hồi tràng trực tiếp gây viêm và kích ứng tại hồi tràng hoặc ruột non.
- Bệnh Crohn tại dạ dày tá tràng: Bệnh Crohn ảnh hưởng tại dạ dày và tá tràng, nơi bắt đầu của ruột non.
- Viêm hỗng tràng: Là tình trạng bệnh Crohn gây ra các mảng viêm ở hỗng tràng, phần trên của ruột non.
- Viêm đại tràng Crohn (u hạt): Bệnh Crohn chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận duy nhất là ruột kết.
Những nguyên nhân gây ra bệnh Crohn điển hình
Hiện nay, vẫn chưa thực sự rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Crohn là gì. Có khá nhiều giả thuyết cho rằng, bệnh Crohn phát triển có thể bao gồm các yếu tố di truyền, các vấn đề về hệ vi sinh vật đường ruột và sự tiếp xúc với môi trường. Một số chuyên gia lại cho rằng, bệnh Crohn có thể xuất phát từ phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch, việc tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể dẫn đến gây viêm và tổn thương đường ruột.
Bên cạnh đó, một số các yếu tố được cho là tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn, bao gồm:
Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, 20% người mắc bệnh Crohn có tiền sử gia đình mắc bệnh. Theo đó, nếu như cha mẹ hoặc anh chị em của bạn mắc chứng rối loạn này, bạn cũng có nguy cơ bị bệnh Crohn.
Yếu tố môi trường: Góp phần vào sự phát triển của bệnh Crohn còn có yếu tố từ môi trường. Một người sống ở những khu vực ô nhiễm như nhiều rác thải, nguồn nước bẩn dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Chế độ ăn uống: Những bữa ăn không đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc việc ăn uống mất vệ sinh trực tiếp làm suy giảm chức năng của hệ tiêu hóa. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn tấn công cơ thể và gây ra bệnh Crohn.
Ngoài các yếu tố chính trên, một số các yếu tố khác như hút thuốc lá hoặc việc sử dụng các loại thuốc, chẳng hạn như một số các loại thuốc chống viêm không steroid mặc dù không gây ra bệnh Crohn nhưng cũng làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Những dấu hiệu của bệnh Crohn
Điều quan trọng khi được chẩn đoán mắc bệnh Crohn là cần biết phần nào của đường tiêu hóa bị ảnh hưởng. Không chỉ khác nhau ở từng người, các triệu chứng và biến chứng mà người bệnh gặp phải còn tùy thuộc vào từng loại bệnh Crohn. Trong đó, một số các dấu hiệu được cho là xuất hiện điển hình hơn, bao gồm các tình trạng như sau:
+ Đau: Mức độ đau sẽ khác nhau ở mỗi người cũng như phụ thuộc vào vị trí viêm ở ruột. Tuy nhiên, mọi người có xu hướng bị đau ở phía dưới bên phải của bụng.
+ Loét trong ruột: Bệnh Crohn có thể dẫn đến loét sâu trong đường ruột, thậm chí gây ra chảy máu ở những vùng da thô. Nếu một người bị triệu chứng này, họ có thể nhìn thấy máu lẫn trong phân.
+ Loét miệng: Khi một người đang trong giai đoạn bùng phát của bệnh Crohn, họ có thể bị loét miệng. Đó chính là kết quả của việc hấp thụ kém vitamin và khoáng chất trong đường tiêu hóa gây ra bởi Crohn.
+ Tiêu chảy: Tình trạng này có thể xảy ra ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, thậm chí có cả chất nhầy, máu hoặc mủ. Đôi khi, cũng có một số trường hợp người bệnh cảm thấy muốn đi tiêu nhưng không đi được.
+ Mệt mỏi: Những người mắc bệnh Crohn thường cảm thấy rất mệt mỏi, có thể bị sốt và suy nhược cơ thể. Việc mất dần cảm giác ăn ngon cũng dẫn đến giảm cân.
+ Chảy máu trực tràng và nứt hậu môn: Tình trạng nứt nẻ ở da hậu môn khiến người bệnh bị đau và chảy máu.
Trong các đợt bùng phát, người mắc bệnh Crohn cũng đôi khi gặp phải một số các triệu chứng ít gặp hơn, chẳng hạn như viêm khớp, viêm màng bồ đào, phát ban da và viêm gan hoặc ống mật. Ở trẻ em, bệnh Crohn gây chậm tăng trưởng hoặc phát triển về tình dục. Bệnh lý này nếu để lâu không điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng như tắc ruột, lỗ rò, ung thư đại tràng cũng như gây ra viêm khớp, loãng xương, bệnh túi mật hoặc bệnh về gan.
Khoảng một nửa số phụ nữ mắc bệnh Crohn ở độ tuổi trước 35. Họ cũng gặp phải một số các triệu chứng cụ thể và riêng biệt so với nam giới, chẳng hạn như kinh nguyệt không đều do ảnh hưởng đến chức năng hormone, thiếu sắt do bệnh Crohn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và đau khi quan hệ tình dục.
Cách điều trị bệnh Crohn
Nhiều người lo lắng không biết bệnh Crohn có nguy hiểm không, bệnh Crohn có chữa được không. Thực tế, việc điều trị bệnh lý này có thể bao gồm thuốc, phẫu thuật và bổ sung dinh dưỡng. Mục đích của những việc này là để kiểm soát tình trạng viêm, giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng, giảm triệu chứng cũng như sự xuất hiện của các đợt bùng phát.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh Crohn. Tùy thuộc vào vị trí viêm ruột, mức độ nghiêm trọng mà các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.
+ Aminosalicylate: Đây là những loại thuốc có khả năng chống viêm, bao gồm balsalazide (Colazal) và mesalamine (Lialda). Loại thuốc này thường được chỉ định cho những người có chẩn đoán mới và gặp phải những triệu chứng nhẹ.
+ Steroid: Có 2 sự lựa chọn bao gồm steroid đường uống, chẳng hạn như prednisone (Rayos) và budesonide (Entocort) hoặc steroid tiêm tĩnh mạch, chẳng hạn như methylprednisolone (Solu-Medrol). Tuy nhiên, loại này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
+ Thuốc kháng sinh: Những loại thuốc này được cho là khá hữu ích trong các đợt bùng phát bệnh Crohn nếu người bệnh bị áp xe hoặc lỗ rò.
+ Thuốc chống tiêu chảy và thay thế chất lỏng: Khi tình trạng viêm giảm bớt, việc tiêu chảy gây ra bởi bệnh Crohn có thể ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, một số người vẫn cần phải dùng thuốc để giải quyết tiêu chảy và đau bụng.
Thuốc sinh học
Hay còn gọi là sinh phẩm, là thuốc có bản chất là protein hoặc đoạn protein, có thể là tự nhiên hoặc tổng hợp. Được sản xuất từ các vật thể sống như vi khuẩn, nấm men hoặc các tế bào động vật, thuốc sinh học có tác dụng giảm phản ứng miễn dịch. Một số các sinh phẩm được cho là hữu ích với bệnh Crohn như các tác nhân chống yếu tố hoại tử khối u, thuốc kháng thụ thể integrin, liệu pháp kháng interleukin-12 và interleukin-23.
Phẫu thuật
Đối với những người bệnh Crohn thể nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nhằm làm giảm các triệu chứng không đáp ứng với thuốc. Bên cạnh đó, nó cũng giúp giải quyết các biến chứng như áp xe, thủng, tắc nghẽn cũng như chảy máu. Một người có thể được chỉ định hướng đến 1 trong 2 sự lựa chọn, đó là cắt bỏ một phần ruột hoặc là phẫu thuật cắt bỏ đại tràng.
Việc cắt bỏ một phần ruột có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh Crohn nhưng không chữa được hoàn toàn bệnh. Tình trạng viêm thường quay trở lại và xuất hiện ngay bên cạnh vùng da đã được cắt bỏ. Trong khi đó, phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là việc cắt bỏ toàn bộ đại tràng hoặc ruột già.
Điều trị tự nhiên
Không có một cách nào để điều trị dứt điểm bệnh Crohn. Tuy nhiên, người bệnh có thể tự giúp kiểm soát các triệu chứng của mình bằng cách phương pháp điều trị tự nhiên bên cạnh việc sử dụng thuốc theo toa. Có một số cách tiếp cận tự nhiên đối với các triệu chứng của bệnh Crohn bao gồm:
Thay đổi chế độ ăn uống: Trong thời gian bệnh Crohn bùng phát, hãy tránh xa các thực phẩm giàu chất xơ, sữa, đường, thực phẩm nhiều chất béo và thực phẩm cay. Đồng thời, uống nhiều nước, ăn nhiều bữa nhỏ, luộc hoặc hấp thức ăn thay vì chiên.
Thay đổi hành vi: Từ bỏ hoặc hạn chế thuốc lá, song song với đó là thực hiện các phương pháp thư giãn, chẳng hạn như thiền, chánh niệm và yoga.
Thuốc bổ sung: Một số chất bổ sung nhất định như curcumin, men vi sinh, bromelain và cây ngải cứu, đã được chứng minh là có hiệu quả đối với người bệnh Crohn.
Tinh dầu: Một số loại tinh dầu, chẳng hạn như hoắc hương hoặc bạc hà có thể giúp giảm viêm.
Không giống như các rối loạn tiêu hóa khác, bệnh Crohn là một tình trạng nguy hiểm, cần được phát hiện và can thiệp sớm. Các phương pháp điều trị hiện nay đều không thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh có thể tái phát thường xuyên. Cách tốt nhất là phẫu thuật kết hợp với thuốc để giảm nguy cơ tái phát.