Hen suyễn: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, cách phòng
Hen suyễn, hay còn gọi là hen phế quản, có tên khoa học là Asthma, là một căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Ước tính, hiện nay có khoảng 400 triệu người bị bệnh hen suyễn trên toàn thế giới, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Được biết, đây cũng là căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao, chỉ sau ung thư và tim. Dưới đây là một số thông tin cho những ai cần biết về căn bệnh này.
Mục lục
Hen suyễn là gì?
Hen suyễn, được biết đến là bệnh viêm niêm mạch phế quản mãn tính, gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn đường thở do phù nề, tăng tiết đờm và co thắt cơ trơn phế quản. Chính điều này sẽ gây ra các triệu chứng như khó thở, gây ra ho, có thể phát ra âm thanh nghe như tiếng huýt sáo.
Đối với một số người, bệnh hen suyễn chỉ là một vấn đề nhỏ, tuy nhiên với hầu hết những người khác, nó có thể là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Các cơn hen suyễn không chỉ gây cản trở các hoạt động thường ngày mà khi bị kích thích quá mức, có thể đe dọa đến tính mạng. Trong trường hợp nếu lên cơn mà không kịp thời cứu chữa, người bệnh có thể chết ngay lập tức.
Các nguyên nhân gây hen suyễn
Theo các bác sĩ, bệnh hen suyễn không có một nguyên nhân nào cụ thể, nó có thể đến từ một hoặc nhiều yếu tố. Dưới đây là một số các yếu tố chính:
Di truyền học: Trường hợp nếu như cha mẹ, anh chị em, ông bà mắc hen suyễn, bạn có nguy cơ mắc hen suyễn cao hơn những người có người thân không bị hen suyễn.
Tiền sử nhiễm vi rút: Những người có tiền sử nhiễm vi rút lúc nhỏ, chẳng hạn như virus hợp bào hô ấp RSV, có nguy cơ mắc hen suyễn cao hơn người không mắc.
Giả thuyết vệ sinh: Điều này có nghĩa là khi trẻ vừa mới sinh ra, không tiếp xúc với đủ vi khuẩn trong những năm tháng đầu đời. Vì thế, hệ thống miễn dịch của chúng không đủ mạnh để chống lại bệnh hen suyễn cũng như các tình trạng dị ứng khác.
Ngoài ra, một số các nguyên nhân được cho là có thể kích hoạt bệnh hen suyễn. Chẳng hạn như nhiễm trùng đường hô hấp, tập thể dục, các chất gây dị ứng, chất kích thích môi trường, khói thuốc lá, thời tiết, sâu bệnh. Ngoài ra, có một số loại thuốc cũng có khả năng là khởi nguồn cho các cơn hen như aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid.
Triệu chứng của bệnh hen suyễn là gì?
Các triệu chứng của hen suyễn có thể khác nhau ở mỗi người. Các cơn hen có thể xảy ra không thường xuyên, bạn chỉ có thể nhận thấy các biểu hiện của nó ở một số thời điểm nhất định, có thể là khi tập thể dục. Cụ thể, các triệu chứng của hen suyễn sẽ bao gồm:
- Khó thở, hụt hơi
- Ho, đặc biệt là vào ban đêm, khi cười hoặc tập thể dục
- Khó nói chuyện, lo lắng hoặc hoảng loạn
- Đau hoặc tức ngực, cảm giác mệt mỏi
- Thở khò khè (dấu hiệu hen suyễn phổ biến ở trẻ em)
- Khó ngủ do khó thở, ho hoặc thở khò khè
- Các cơn ho hoặc khó thở trở nên trầm trọng hơn do vi rút đường hô hấp, chẳng hạn như cảm cúm
Theo đó, một số các dấu hiệu cho biết bệnh hen suyễn của bạn đang trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ như các triệu chứng hen suyễn trở nên khó chịu hơn, khó thở nhiều hơn và nhu cầu sử dụng ống hít cắt cơn hen suyễn thường xuyên hơn.
Đối với một số người, hen suyễn có thể bùng phát các triệu chứng trong một số tình huống nhất định. Ví dụ như hen do tập thể dục, khi đó không khí trở nên lạnh và khô hơn khiến các cơn hen bị kích thích. Ngoài ra, hen còn có thể đến từ đặc điểm nghề nghiệp như khói bụi, hóa chất hoặc bị kích ứng bởi các chất dị nguyên trong không khí như phấn hoa, bào tử nấm mốc, lông vật nuôi.
Cách điều trị hen suyễn hiệu quả
Hen suyễn thực chất là một căn bệnh mạn tính, vì vậy không thể chữa dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh bằng thuốc. Dưới đây là một số các loại thuốc được bác sĩ chỉ định cho người bị hen suyễn.
- Thuốc giãn phế quản: Những loại thuốc này khi uống vào giúp làm giãn các cơ xung quanh đường thở của bạn. Từ đó, giúp không khí dễ dàng đi qua đường thở và các chất nhầy cũng di chuyển dễ hơn. Thuốc giãn phế quản cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh như ho, tức ngực, khó thở.
- Thuốc chống viêm: Có hiệu quả trong việc làm giảm sưng, loãng chất nhầy giúp không khí vào và đi ra phổi một cách dễ dàng hơn. Khi đó, các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn để bạn dùng hằng ngày, nhằm để kiểm soát hoặc ngăn chặn các triệu chứng hen suyễn mãn tính của bạn.
- Liệu pháp sinh học: Đây là phương án được sử dụng cho các bệnh nhân hen suyễn thể nặng, các triệu chứng vẫn còn tồn tại dù đã được điều trị bằng thuốc trước đó.
Ngoài ra, bạn có thể dùng điều trị hen suyễn theo một số cách khác. Ví dụ như bình hít định liều, máy phun sương hoặc một loại ống hít hen suyễn khác. Các bài tập thở cũng giúp tăng luồng không khí vào và ra khỏi phổi, giúp vô hiệu hóa các vấn đề của hen suyễn. Tất nhiên, bạn nên tìm đến các bác sĩ để họ tiến hành chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho từng trường hợp bệnh của mỗi người.
Các cách phòng bệnh hen suyễn đơn giản
Bệnh hen suyễn tuy không thể ngăn chặn được nó hoàn toàn, song vẫn có một số cách để giảm nguy cơ lên cơn hen, từ đó giúp người bệnh sống hòa bình với nó.
- Tiêm vắc xin cúm: Cúm cũng như các loại vi rút đường hô hấp khác chính là tác nhân phổ biến gây ra bệnh hen suyễn. Vì vậy, bạn nên chủ động tiêm vắc xin để phòng ngừa nguy cơ bị hen suyễn.
- Kiểm soát dị ứng: Hen suyễn và dị ứng đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bất kỳ một tác nhân dị ứng nào như bụi bặm, phấn hoa, lông chó mèo có thể là nguồn khởi phát các cơn hen. Do đó, bạn nên chủ động điều trị viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô) và tránh tiếp xúc với bất kỳ các tác nhân gây dị ứng nào.
- Bỏ hút thuốc lá: Các bác sĩ cũng khuyến cáo nên ngừng hút thuốc cũng như tránh phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá. Người có tiền sử bị hen suyễn hoặc các bệnh viêm đường hô hấp, nếu có thói quen hút thuốc sẽ tăng nguy cơ bị hen suyễn.
- Ăn uống điều độ: Một chế độ ăn cân bằng, đủ chất giúp bạn giữ được cân nặng hợp lý cũng như tăng hệ miễn dịch. Thừa cân hoặc béo phì sẽ khiến bệnh hen suyễn khó kiểm soát hơn. Các bác sĩ cũng khuyến khích mọi người nên ăn nhiều trái cây, rau củ, tránh các thực phẩm gây dị ứng.
- Luyện tập thể dục: Các bác sĩ cho rằng, người bệnh hen suyễn nên có thói quen tập luyện thường xuyên, điều đó rất có lợi cho sức khỏe, bao gồm cải thiện chức năng và dung tích phổi. Đặc biệt, người bệnh cần nên biết cách xử trí co thắt phế quản do gắng sức dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Chăm sóc sức khỏe bản thân: Sức khỏe tâm thần và bệnh hen suyễn có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Theo đó, căng thẳng thần kinh, nội tiết tố thay đổi, cảm xúc bị tác động cũng đều có thể gây hen suyễn. Vì vậy, nếu cảm thấy buồn hoặc lo lắng, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Hen suyễn chính là một tình trạng gây sưng tấy đường thở, khiến người bệnh trở nên thở nhanh, gấp gáp, khó thở khi đi lại, nói chuyện. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng. Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị hiệu quả có thể giúp người bệnh hen suyễn sống một cách bình thường và lành mạnh.