Dấu hiệu tiền mãn kinh: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Tiền mãn kinh là một giai đoạn mà tất cả chị em phụ nữ đều phải trải qua. Tuy là một quy trình sinh lý bình thường nhưng đôi khi tiền mãn kinh cũng đem lại nhiều triệu chứng khó chịu và có đến 20% phụ nữ không thể chịu đựng một số triệu chứng nặng của thời kỳ tiền mãn kinh mà phải điều trị bằng thuốc. Vì thế các chị em phụ nữ nên tham khảo các thông tin về dấu hiệu tiền mãn kinh như triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị để vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Mục lục
Tiền mãn kinh là gì?
Thời kỳ mãn kinh của phụ nữ thường sẽ từ 45 tuổi – 55 tuổi, là giai đoạn đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản của cơ thể. Nói một cách dễ hiểu hơn là khi nào phụ nữ ngừng có kinh nguyệt sẽ là lúc chính thức mãn kinh. Còn tiền mãn kinh là thời điểm xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Tùy theo cơ địa mỗi người mà thời kỳ này có thể diễn ra vào các lứa tuổi khác nhau.
Tiền mãn kinh (perimenopause) là một thuật ngữ dùng để chỉ thời kỳ chuyển tiếp trước khi mãn kinh. Thời kỳ này được đánh dấu bằng sự sụt giảm của Estrogen – là nội tiết tố nữ chính do buồng trứng sản xuất. Nồng độ Estrogen cũng có thể thay đổi trong thời gian kinh nguyệt. Khi vào giai đoạn cuối thì cơ thể phụ nữ sản xuất càng ít Estrogen hơn. Nếu trong vòng 12 tháng liên tục không có chu kỳ kinh nguyệt là lúc phụ nữ bước sang giai đoạn mãn kinh.
Triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu sẽ tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Theo tính toán thì thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ trung bình kéo dài trong 4 năm nhưng cũng có thể kéo dài từ 2 năm – 8 năm. Trong khoảng thời gian đó thì các triệu chứng tiền mãn kinh có thể xảy ra với nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Ở thời kỳ tiền mãn kinh, việc sản xuất hormone estrogen ở buồng trứng sẽ bắt đầu giảm dần. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ thay đổi và cuối cùng là ngưng hoàn toàn. Chị em phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh nếu không có kinh nguyệt trong suốt 12 tháng.
Nguyên nhân gây rối loạn tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh và mãn kinh được xem như là 2 giai đoạn xảy ra một cách tự nhiên trong cuộc đời các chị em phụ nữ. Các triệu chứng mà nó gây ra tuy rằng khó chịu nhưng hoàn toàn bình thường và sẽ tự biến mất mà không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên có không ít tình huống xảy ra không theo quỹ đạo bình thường. Tức là đến sớm hơn trước 35 tuổi hoặc muộn hơn sau 50 tuổi, đồng thời biểu hiện các triệu chứng nặng, gây bất tiện và ảnh hưởng tâm lý, sức khoẻ và công việc của chị em. Đó là tình trạng rối loạn tiền mãn kinh, cần được điều trị kịp thời.
Theo nghiên cứu thì sự suy giảm hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng dẫn đến sự thay đổi bộ của 3 nội tiết tố Estrogen, Progesterone, Testosterone trong cơ thể phụ nữ là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng rối loạn tiền mãn kinh. Độ tuổi người phụ nữ càng cao thì quá trình sụt giảm này càng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, dẫn đến những rối loạn trong thời kỳ này.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ có thể bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn bình thường cũng do các nguyên nhân sau:
- Hút thuốc lá nhiều năm: thời kỳ mãn kinh của phụ nữ thường xuyên hút thuốc lá sẽ bắt đầu sớm hơn 1 – 2 năm vì thuốc lá là yếu tố nguy hại, gây giảm nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể.
- Tiền sử gia đình: những phụ nữ có tiền sử gia đình (mẹ, chị gái,…) bị mãn kinh sớm cũng có thể bị mãn kinh, tiền mãn kinh sớm.
- Điều trị ung thư: đã điều trị bằng hóa trị, xạ trị vùng chậu có thể ảnh hưởng thời gian tiền mãn kinh.
- Đã cắt bỏ tử cung hoặc toàn bộ buồng trứng vì điều này làm giảm quá trình sản xuất Estrogen của cơ thể
- Bị suy buồng trứng và các bệnh lý liên quan đến buồng trứng.
- Bị một số căn bệnh như rối loạn hệ miễn dịch, rối loạn chuyển hóa,…
Dấu hiệu của tiền mãn kinh
Tùy theo cơ địa mà triệu chứng tiền mãn kinh ở mỗi người sẽ khác nhau. Có những người sẽ gặp triệu chứng rõ rệt và kết thúc nhanh chóng sau vài năm nhưng có trường hợp kéo dài thường xuyên. Các triệu chứng thường gặp khi bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ đó là:
- Rối loạn kinh nguyệt
Các chị em phụ nữ sẽ gặp vấn đề kinh nguyệt không đều như có tháng đến sớm hoặc đến muộn, đôi khi 2 – 3 tháng mới có kinh một lần. Đó là do việc phóng thích trứng của buồng trứng gặp trục trặc. Tuy nhiên, một số bệnh ung thư phụ khoa cũng gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Vì thế chị em cần lưu ý nếu thấy kinh nguyệt thất thường từ 3 tháng trở lên phải lập tức đi khám bác sĩ chuyên khoa.
- Khó thụ thai
Bên cạnh việc kinh nguyệt rối loạn thì khi buồng trứng gặp vấn đề trong quá trình phóng kích trứng sẽ khiến phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh khó thụ thai hơn. Nhiều trường hợp cần phải nhờ y học can thiệp nếu phụ nữ ở độ tuổi này muốn có thai.
- Tính tình thất thường
Thêm một triệu chứng hay gặp của chị em phụ nữ là rất dễ nóng giận, nhạy cảm quá mức và hay lo âu, phiền muộn. Nếu không được giải tỏa kịp thời, bị tích tụ lâu ngày thì có thể dẫn đến hệ quả bị trầm cảm.
- Bốc hỏa
Bạn sẽ có cảm giác nóng bừng từ phần ngực lên vai, cổ và mặt, kéo dài khoảng 2 phút – 3 phút hoặc lâu hơn. Khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh thì mỗi ngày bạn đều có thể gặp triệu chứng khó chịu này nhiều lần, đặc biệt là trong khi ngủ.
- Bị đau nhức
Do sự thay đổi nồng độ hormone khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm xương khớp, tức ngực của phụ nữ.
- Dễ tăng cân
Khi tuổi tác bạn càng cao thì quá trình trao đổi chất của cơ thể càng chậm lại. Cùng lúc đó các triệu chứng căng thẳng, lo lắng, mất ngủ thường gặp ở giai đoạn tiền mãn kinh là điều kiện cho các tế bào mỡ trắng tích tụ nhiều hơn. Dẫn đến kết quả là bạn dễ tăng cân, đặc biệt tập trung ở vùng eo, bụng, đùi, bắp tay.
- Mức độ cholesterol thay đổi
Khi vào giai đoạn tiền mãn kinh thì hệ trục não bộ, tuyến yên, buồng trứng của phụ nữ bị suy giảm dẫn đến sự sụt giảm nội tiết tố và kéo theo sự thay đổi bất lợi mức cholesterol trong máu. Đó là sự gia tăng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) – là cholesterol xấu và sụt giảm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) – là cholesterol tốt. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim của phụ nữ.
- Rối loạn giấc ngủ
Giai đoạn tiền mãn kinh cũng là lúc mà nội tiết tố trong cơ thể thay đổi cùng với tình trạng đổ mồ hôi ban đêm có thể là nguyên nhân phá hỏng giấc ngủ của bạn. Có thể cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ bằng cách tạo thói quen ngủ đúng giờ, ngủ trước 23g00, không ngủ trưa quá nhiều (tối đa cỡ 30 phút), không sử dụng các thiết bị điện tử trước 2 tiếng khi ngủ.
- Ra máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt
Nếu đột nhiên thấy ra máu nhiều hơn đáng kể so với những kỳ kinh nguyệt trước, thì rất có thể bạn đã bị rối loạn tiền kinh nguyệt. Nhưng chưa dừng lại ở đó, việc giảm hormone progesterone còn gây ra một số vấn đề khác, chẳng hạn như u xơ tử cung.
Ngoài ra còn một số dấu hiệu nhận biết tiền mãn kinh như là da khô, suy giảm trí nhớ, dễ mất tập trung, tim đập nhanh, tóc dễ rụng, khô âm đạo, mật độ xương giảm,…
Cách điều trị rối loạn tiền mãn kinh
Không phải phụ nữ nào trong thời kỳ tiền mãn kinh đều bị rối loạn và gặp các triệu chứng bất ổn. Tuy nhiên nếu bạn đang gặp rắc rối khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thì có thể tham khảo một số phương pháp sau tuỳ theo tình trạng mỗi người
Về chế độ ăn uống
Cần tăng cường các loại thực phẩm chứa chất đạm, axit béo omega-3, chất xơ và canxi trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra thì có một số thực phẩm cần hạn chế hoặc kiêng tuyệt đối khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh như là thực phẩm giàu chất béo bão hòa (mỡ động vật, các sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai,…), thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế cao (bánh mì trắng, mì, bánh ngọt, kẹo, kem,…), thức uống chứa caffein,…
Có chế độ sinh hoạt tốt, luyện tập đều đặn
Luyện tập một lối sinh hoạt khoa học, lành mạnh sẽ giúp chị em phụ nữ đẩy lùi được các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh. Như là:
- Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày.
- Ngừng việc hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích.
- Cố gắng tập cho bản thân một giấc ngủ ngon và ngủ đủ giấc, tầm 7 – 8 tiếng/ngày
- Duy trì cân nặng cơ thể ổn định với chỉ số BMI nằm trong giới hạn bình thường
Sử dụng thuốc
Nếu trường hợp các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống thì bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định dùng một số loại thuốc hoặc những phương pháp điều trị. Ví dụ như dùng đến một số loại hormon thay thế (bổ sung Estrogen và Progesterone), điều trị nội tiết,… Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số loại thực phẩm chức năng như Femarelle® Recharge. Femarelle Recharge giảm các triệu chứng khó chịu xuất hiện thường xuyên ở thời điểm này. Giúp cân bằng cảm xúc, tăng cường năng lượng cơ thể.
Tuy nhiên, việc uống loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu hay là điều trị trong thời gian bao lâu phải cần được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh những rủi ro xảy đến cho sức khỏe. Do đó, chị em phụ nữ không nên tự ý uống thuốc mà cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa phụ sản để kiểm tra sức khỏe, nghe tư vấn và chỉ định dùng thuốc đúng cách.
Biết các thông tin cần thiết về dấu hiệu tiền mãn kinh, các triệu chứng thường gặp và nguyên nhân gây ra rối loạn tiền mãn kinh sẽ giúp chị em phụ nữ chuẩn bị tốt tâm lý khi bước vào giai đoạn này. Nếu gặp phải vấn đề nghiêm trọng và mệt mỏi trong lúc tiền mãn kinh thì bạn nên gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.