Bệnh sỏi thận: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
Nếu bạn cảm thấy đau lưng ở hoặc hông, tiểu ra máu và buồn nôn, đó có thể là dấu hiệu của sỏi thận. Đây là một bệnh lý được cho là phổ biến nhất liên quan đến đường tiết niệu. Mỗi năm, có hơn nửa triệu người phải nhập viện cấp cứu vì vấn đề sỏi thận và ước tính, cứ 10 người thì có 1 người bị sỏi thận vào một thời điểm nào đó trong đời.
Mục lục
Sỏi thận là gì?
Thông thường, thận sẽ loại bỏ chất thải từ máu để tạo thành nước tiểu. Khi có quá nhiều chất thải trong máu và cơ thể không sản xuất đủ nước tiểu, các tinh thể sẽ bắt đầu hình thành trong thận. Những tinh thể này thu hút các chất thải và hóa chất khác để tạo thành một vật thể rắn (sỏi thận). Trừ khi nó được thải ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu, sỏi thận sẽ lắng dần và kết tinh thành những viên sỏi có kích thước lớn hơn. Về kích thước, sỏi thận có thể nhỏ như hạt cát hoặc lớn như quả bóng golf, đa phần sẽ bằng với hạt đậu xanh.
Sỏi thận có thể phát triển ở một hoặc cả hai quả thận và thường ảnh hưởng đến những người từ độ tuổi 30 đến 60. Có thể nói, bệnh thận khá phổ biến, khi cứ 10 người thì có 1 người bị. Sỏi thận thường được tìm thấy ở thận hoặc trong niệu quản, ống nối thận với bàng quang. Một số sỏi tồn tại trong thận nhưng không gây ra vấn đề gì, nếu sỏi di chuyển đến bàng quang, nó có thể được đào thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiêu.
Nếu sỏi mắc kẹt trong niệu quản, nó sẽ chặn dòng nước tiểu từ thận từ đó gây đau đớn và có thể dẫn đến nhiễm trùng thận hoặc khiến thận không thể hoạt động bình thường.
Phân loại sỏi thận
Dựa theo thành phần hóa học, sỏi thận được chia thành những loại sau đây:
Sỏi canxi: Đây là loại sỏi phổ biến nhất, chúng thường được làm từ canxi oxalate, canxi photphat hoặc maleate. Việc ăn ít các thực phẩm giàu oxalate có thể làm giảm nguy cơ phát triển loại sỏi này, chúng bao gồm khoai tây chiên, đậu phộng, sô cô la, rau chân vịt.
Sỏi Axit uric: Đây là loại sỏi thận có mức độ phổ biến thứ hai. Chúng có thể xuất hiện ở những người mắc bệnh gút, tiểu đường, béo phì và các loại hội chứng chuyển hóa khác. Loại sỏi này phát triển khi nước tiểu có tính axit quá cao. Một chế độ ăn giàu purin có thể làm tăng mức axit của nước tiểu. Được biết, Purine là một chất không màu có trong protein động vật như cá, động vật có vỏ và các loại thịt.
Sỏi struvit: Loại sỏi này được tìm thấy chủ yếu ở những người bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Những viên sỏi này có thể lớn dần lên và gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Chúng là kết quả của nhiễm trùng thận, vì vậy việc điều trị nhiễm trùng cơ bản có thể ngăn ngừa sự phát triển của sỏi struvite.
Sỏi Cystin: Khoảng 1 trong 7.000 người trên thế giới bị sỏi thận Cystine, chúng xảy ra ở cả nam giới và nữ giới mắc chứng rối loạn di truyền Cystin niệu. Với loại sỏi này, Cystine – một loại axit xuất hiện tự nhiên trong cơ thể, sẽ rò rỉ tự thận vào nước tiểu.
Các triệu chứng của bệnh sỏi thận
Sỏi thận có thể gây ra các cơn đau dữ dội và thực tế các triệu chứng của sỏi thận thường không xuất hiện cho đến khi sỏi bắt đầu di chuyển xuống niệu quản. Những cơn đau này được gọi là cơn đau quặn thận, có thể gây đau ở một bên lưng hoặc bụng. Ở nam giới, cơn đau có thể lan xuống đến vùng háng, chúng có thể đến rồi đi nhưng biểu hiện rất dữ dội.
Ngoài ra, người bị sỏi thận có thể gặp các triệu chứng khác, bao gồm:
- Đau khi đi tiểu
- Máu trong nước tiểu (nước tiểu màu đỏ, hồng hoặc nâu)
- Cảm thấy đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa
- Nước tiểu đổi màu hoặc có mùi hôi
- Sốt và ớn lạnh
- Thường xuyên cần đi tiểu
- Đi tiểu với một lượng nhỏ nước tiểu
Trong trường hợp sỏi thận nhỏ, người bệnh có thể không cảm thấy đau hoặc triệu chứng gì khi sỏi đi qua đường tiết niệu. Ngược lại, nếu sỏi thận phát triển to hơn, nó sẽ gây chặn đường nước tiểu, bạn sẽ thấy rất đau.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây sỏi thận là gì?
Bất cứ ai cũng có thể bị sỏi thận, nhưng có một số người có nhiều khả năng mắc bệnh hơn so với những người khác. Theo đó, sỏi thận thường xảy ra ở những người nằm trong độ tuổi từ 20 đến 50. Đàn ông có xu hướng phát triển sỏi thận nhiều hơn phụ nữ. Ngoài ra, sỏi thận cũng phổ biến hơn ở những người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha so với những người thuộc các dân tộc khác.
Một người cũng dễ bị sỏi thận hơn nếu họ có ít nhất một trong số các yếu tố rủi ro dưới đây, bao gồm:
- Đã từng bị sỏi thận trước đây
- Có người trong gia đình bị sỏi thận
- Không uống đủ nước
- Ăn nhiều chất đạm, natri (muối) hoặc đường
- Thừa cân
- Đã phẫu thuật đường ruột
- Mắc bệnh thận đa nang
- Có vấn đề về sức khỏe khiến người tiểu chứa hàm lượng lớn chất cystine, oxalat, axit uric hoặc canxi
- Có vấn đề về sức khỏe gây sưng tấy hoặc tổn thương hệ thống tiêu hóa hoặc khớp
- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu hoặc thuốc kháng axit có chứa canxi.
Cách điều trị sỏi thận
Tùy theo từng loại sỏi, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Khi đó, nước tiểu của người bệnh sẽ được lọc lấy sỏi để đánh giá tình trạng bệnh. Các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như kích thước sỏi, loại sỏi. Nếu sỏi của bạn vẫn còn nhỏ, các bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc giảm đau, kết hợp uống 6-8 ly mỗi ngày nhằm giúp đẩy sỏi qua đường tiết niệu và ra ngoài qua đường nước tiểu.
Nếu sỏi thận là do nhiễm trùng, việc điều trị đòi hỏi phải dùng đến kháng sinh. Một số loại thuốc được chỉ định bao gồm allopurinol (Zyloprim) điều trị sỏi axit uric, thuốc lợi tiểu thiazide ngăn ngừa sỏi canxi hình thành, natri bicarbonat hoặc natri citrat để làm giảm tính axit của nước tiểu, dung dịch phốt pho ngăn ngừa hình thành sỏi canxi, ibuprofen (Advil), acetaminophen (Tylenol) và naproxen natri (Aleve) để giảm đau.
Trong trường hợp sỏi lớn hoặc làm tắc nghẽn đường tiết niệu, các bác sĩ sẽ chỉ định lựa chọn một trong các phương pháp điều trị khác, bao gồm:
Tán sỏi: Tán sỏi bằng sóng xung kích ngoại bào sử dụng sóng âm thanh để phá vỡ những viên sỏi lớn, nhằm giúp chúng có thể dễ dàng đi xuống niệu quản để vào bàng quang hơn. Quá trình này thường mất khoảng 1 giờ và được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân, nó có thể để lại vết bầm tím ở bụng, lưng, chảy máu quanh thận và các cơ quan lân cận.
Phẫu thuật lấy sỏi qua da: Khi sỏi gây tắc nghẽn và nhiễm trùng hoặc làm tổn thương thận cũng như sỏi quá lớn gây đau tột, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ những viên sỏi thận qua một vết mổ nhỏ ở lưng người bệnh. Qúa trình nằm viện chờ phục hồi sẽ mất từ 2-3 ngày.
Nội soi niệu quản: Trong trường hợp sỏi mắc kẹt trong niệu quả hoặc bàng quang, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ gọi là ống soi niệu quản để lấy sỏi ra. Một sợi dây nhỏ có gắn camera được đưa vào niệu đạo và sau đó là bàng quang để lấy sỏi ra (nếu nhỏ) hoặc bẻ sỏi thành mảnh nhỏ bằng tia laser (nếu lớn) và ra ngoài bằng được nước tiểu.
Cách để ngăn ngừa sỏi thận
Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp, nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, mỗi người cần ý thức được bản thân cần có những biện pháp cụ thể để phòng ngừa sỏi thận, nhất là đối với những người có yếu tố nguy cơ bị sỏi thận cao.
Uống đủ chất lỏng mỗi ngày
Từ 8-12 cốc chất lỏng (tương ứng với 2,5 lít nước), bao gồm nước là định lượng đủ cho mỗi người mỗi ngày. Việc uống nhiều nước là cách đơn giản để tăng lượng nước tiểu đi qua nhằm giúp làm sạch thận. Bên cạnh nước lọc là chính, có thể uống thêm cả nước gừng, soda chanh và nước ép trái cây. Nếu sỏi có liên quan đến nồng độ citrate thấp, nước ép có chứa citrate có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi.
Chế độ ăn kiêng hợp lý
Kiêng cữ thực phẩm giàu oxalat, giảm lượng muối và đạm động vật như thịt, trứng cũng là một điều quan trọng nếu muốn không bị sỏi thận. Nếu bị sỏi thận, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm để biết sỏi của bạn được tạo nên từ chất gì, từ đó đưa ra cho bạn một kế hoạch ăn uống cụ thể để giúp ngăn ngừa sỏi thận trong tương lai.
Ngoài ra, một số loại nước uống cũng giúp tiêu sỏi hiệu quả, chẳng hạn như nước râu ngô, nước ép cần tây, nước dừa, nước cam, giấm táo, trà bồ công anh, trà kim tiền thảo. Một nghiên cứu gần đây cũng có thấy, uống một lượng thích hợp cà phê và trà xanh cũng rất tốt cho sức khỏe, giúp chống lại sự hình thành và phát triển sỏi thận. Theo đó, các chất có trong trà giúp cơ thể sản xuất nước tiểu, hỗ trợ giải phóng lượng chất kháng dư thừa.
Dùng thuốc theo toa bác sĩ
Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn có tác dụng giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi canxi và axit uric. Nếu bạn đang gặp các vấn về sức khỏe có thể dẫn đến việc tạo sỏi, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn dùng loại thuốc phù hợp. Lưu ý, không nên tự ý sử dụng hoặc dừng bất cứ loại thuốc nào mà chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.
- Xem thêm: Những cách ngăn ngừa sỏi thận hiệu quả
Tỉ lệ mắc sỏi thận có xu hướng tăng lên trong nhiều năm trở lại đây với nguy cơ mắc bệnh ở nam là 11% và ở nữ là 9%. Sỏi thận có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, tuy nhiên với những người bị cao huyết áp, tiểu đường và béo phì thường có khả năng mắc bệnh cao hơn. Vì vậy, việc thực hiện một lối sống khoa học, bằng cách ăn uống điều độ, tập luyện hợp lý và quan trọng là khám sức khỏe định kỳ là cách để giảm tỉ lệ mắc sỏi thận một cách tốt nhất.