Bệnh loãng xương có chữa được không?
Như chúng ta đã biết thì bệnh loãng xương là một căn bệnh chỉ diễn ra âm thầm và không có biểu hiện các triệu chứng cụ thể. Khi bệnh đã chuyển nặng hơn, cơ thể sẽ có những biến chứng như đau cột sống, biến dạng cột sống,… Bệnh loãng xương gây ra nhiều nguy hiểm cho hệ xương khớp. Vậy thì bệnh loãng xương có chữa được không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải thích vấn đề này.
Tổng quan về bệnh loãng xương
Loãng xương (có tên tiếng anh là Osteoporosis) là một tình trạng rối loạn sự chuyển hoá của xương. Biểu hiện của căn bệnh này là sự giảm mật độ chất khoáng của xương, kèm theo các tổn thương về cấu trúc và tổ chức xương. Hậu quả gây ra là làm giảm sức mạnh của xương, từ đó xương của người bệnh sẽ trở nên dễ gãy hơn.
Tại Việt Nam, loãng xương là căn bệnh lý phổ biến chỉ xếp sau các bệnh lý hệ tim mạch. Loãng xương thường gặp ở đối tượng phụ nữ sau mãn kinh và ở khoảng 1/3 phụ nữ và ⅛ nam giới trên độ tuổi 50.
Bệnh loãng xương được chia thành 2 loại chính:
- Loãng xương nguyên phát: đa số những người mắc bệnh loãng xương hiện nay thì loãng xương nguyên phát chiếm đa số. Đây là một hiện tượng sinh lý xảy ra do quá trình cơ thể bị lão hóa. Khi đó quá trình tạo cốt bào ở xương bị lão hóa gây ra sự mất cân bằng giữa việc hủy xương và tạo xương. Loãng xương nguyên phát được chia ra thành 2 type là loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh hay còn gọi là loãng xương type I và loãng xương ở người lớn tuổi (cả nam và nữ) hay còn gọi là loãng xương type II.
- Loãng xương thứ phát: Là tình trạng loãng xương xảy ra do tác động của một số bệnh về nội tiết (tiểu đường, cường giáp,…), bệnh về tiêu hoá (gan mạn tính,…), bệnh di truyền (bệnh nhiễm sắc tố sắc,…) hoặc là do sử dụng một số thuốc gây độc như Corticosteroid, thuốc chống ung thư,…
Như trước đây thì đối tượng dễ mắc bệnh loãng xương đó là người cao tuổi và phụ nữ. Bởi vì người cao tuổi thì sức khoẻ giảm sút, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng,… nên dẫn đến việc dễ loãng xương. Còn phụ nữ, nhất là giai đoạn mãn kinh thì lượng estrogen bị thiếu hụt dẫn đến mắc bệnh loãng xương.
Nhưng ngày nay thì đối tượng mắc bệnh loãng xương có thể là bất cứ ai nếu chúng ta không giữ gìn sức khoẻ. Đã có khá nhiều trường hợp người mắc bệnh loãng xương là những đối tượng rất trẻ, đang trong độ tuổi lao động và độ tuổi thanh niên. Nếu như chúng ta ăn kiêng không đúng cách, ăn uống không đủ chất, sinh hoạt không điều độ, thường xuyên sử dụng rượu bia và chất kích thích thì cũng rất dễ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Bệnh loãng xương có chữa được không?
Là một trong những căn bệnh nguy hiểm nên rất nhiều người thắc mắc rằng bệnh loãng xương có chữa được không. Thật ra nếu chúng ta phát hiện sớm thì bệnh nhân có thể điều trị để cải thiện dần, không cho căn bệnh tiến triển nặng nề thêm. Tuy là đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị để chữa khỏi hoàn toàn bệnh loãng xương. Nhưng vẫn có thể áp dụng nhiều cách để giúp cải thiện sức khỏe cũng như giảm thiểu bớt những biến chứng xấu do loãng xương gây ra.
- Điều trị không dùng thuốc
Xây dựng một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống dinh dưỡng không chỉ giúp chúng ta tăng cường sức khỏe, hạn chế bệnh tật mà còn ngăn chặn các nguy cơ gây tổn thương xương và có một bộ xương khỏe mạnh.
- Bổ sung chất Canxi bằng cách sử dụng các loại thực phẩm như hải sản, phô mai, sữa, sữa chua, các loại đậu, rau lá xanh, cá,… Nên chia chúng thành nhiều bữa ăn trong ngày thay vì chỉ ăn một bữa nhiều chất Canxi.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu Vitamin D, Vitamin K như các loại chế phẩm đậu nành, dưa cải, phô mai, …
- Bổ sung thêm thực phẩm giàu khoáng chất, chất xơ và Vitamin như: bắp cải, bông cải xanh, các loại rau, thảo mộc,…
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu Protein, Axit béo Omega 3 như cá hồi, cá thu,…
- Sử dụng các thực phẩm giàu Magie, kẽm như các loại cây họ đậu, quả hạch, các loại hạt và ngũ cốc,…
- Duy trì cân nặng của cơ thể ở mức thích hợp để tránh bị suy dinh dưỡng, thiếu cân hoặc phòng ngừa bị thừa cân, béo phì.
- Tránh chế độ ăn ít calo vì có thể gây nên thiếu chất và năng lượng, ảnh hưởng đến việc phát triển xương trong cơ thể.
- Tăng cường hoạt động thể dục thể thao thường xuyên, tập Yoga, tập gym,…
- Hạn chế các loại thức uống có gas nước ngọt, cà phê, rượu bia, thuốc lá,…
- Điều trị dùng thuốc
Khi phát hiện ra bệnh loãng xương sớm thì bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc có chức năng bổ sung canxi cho cơ thể, giúp xương chắc khỏe hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể uống thuốc vitamin D. Ngoài ra, sử dụng những loại thuốc khác giúp cơ thể hấp thụ vitamin D và Canxi dễ dàng hơn cũng là một phương án tốt cho bệnh nhân
Khi bệnh đã đi đến giai đoạn nặng, bệnh nhân loãng xương sẽ phải dùng các thuốc giảm đau, thuốc ức chế các tế bào hủy xương hoạt động, thuốc kích thích sinh xương, viên uống bổ sung canxi,… Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo liệu trình điều trị mà bác sĩ đã đề ra. Tuyệt đối không nên lạm dụng các loại thuốc kháng sinh giảm đau.
Việc điều trị loãng xương bằng thuốc có thời gian khá lâu, chỉ thấy kết quả sau quá trình 2 năm. Do đó, người bệnh cần phải kiên nhẫn điều trị. Bên cạnh đó, điều trị bệnh loãng xương khi đã chuyển nặng thì cũng khá tốn kém về mặt tài chính. Người bệnh cũng cần chuẩn bị một nguồn tài chính vững chắc để điều trị.
- Điều trị bằng liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone (còn gọi là liệu pháp thay thế estrogen (ERT)) là cách điều trị thường được khuyên dùng cho đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương, để giúp ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. Nội tiết tố estrogen cũng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim, cải thiện chức năng nhận thức và tiết niệu.
Tuy nhiên, liệu pháp này có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung, tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối dẫn đến đột quỵ. Do đó, cần phải cân nhắc giữa lợi ích và tác hại mà liệu pháp hormone này mang lại. Trước khi tiến hành điều trị bằng liệu pháp hormone, người bệnh nên được đo mật độ xương của cơ thể
Những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương (đặc biệt là phụ nữ sau khi mãn kinh) sẽ được chỉ định dùng Raloxifene – là một chất điều hoà chọn lọc thụ thể estrogen. Chất này sẽ có tác dụng mang lại những lợi ích cho việc gia tăng mật độ xương giống như estrogen. Và tác dụng phụ thường gặp của loại thuốc này là làm cơ thể bị nóng bừng, tăng nguy cơ huyết khối nhưng sẽ giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư vú. Chỉ định Raloxifene là uống 60mg mỗi ngày, trong vòng tối đa 2 năm.
Với nam giới thì bệnh loãng xương có thể liên quan đến sự suy giảm mức độ testosterone theo thời gian. Liệu pháp hormone giúp cải thiện các triệu chứng bị testosterone thấp. Trong khi điều trị loãng xương ở nam giới, bác sĩ thường chỉ định phối hợp liệu pháp hormone với các phương pháp điều trị khác.
- Điều trị ngoại khoa
Tùy theo tình trạng bệnh loãng xương mà bác sĩ có thể điều trị bằng việc sử dụng thuốc hoặc các cách điều trị ngoại khoa như là:
- Thay chỏm xương đùi, bắt vít xốp hoặc thay toàn bộ khớp háng,… trong trường hợp bị gãy cổ xương đùi.
- Các phương pháp tạo hình đốt sống như bơm xi măng vào thân đốt sống, thay đốt sống nhân tạo,… trong trường hợp gãy đốt sống hay là biến dạng cột sống.
- Làm phẫu thuật liền xương cho các tình trạng gãy xương do biến chứng của loãng xương.
Hiện nay, trên thực tế lâm sàng có rất nhiều phương pháp dùng để điều trị bệnh loãng xương và đã có những hiệu quả rõ rệt. Nếu muốn biết bệnh loãng xương có chữa được không thì người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu phát hiện ra những triệu chứng bất thường về cơ xương khớp của mình. Dựa theo tình trạng thực tế của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có lời khuyên chẩn đoán và cách thức điều trị hợp lý.