Viêm phổi: nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị
Viêm phổi là một trong các bệnh lý thường gặp và được phân thành nhiều loại dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Trong số đó thì bệnh viêm phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra, được phát hiện từ năm 2019 đã và đang có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế, đời sống khắp toàn cầu. Và để việc điều trị đúng cách bệnh viêm phổi thì cần phải thăm khám để tìm nguyên nhân cũng như theo dõi các triệu chứng biểu hiện.
Mục lục
Định nghĩa về bệnh viêm phổi
Viêm phổi là một tình trạng bệnh lý do nhiễm trùng phổi gây ra khiến các cơ quan tổ chức tại phổi bị viêm nhiễm và từ đó ảnh hưởng đến các chức năng của phổi. Theo ngôn ngữ chuyên môn thì bệnh viêm phổi chính là xảy ra hiện trạng các nhu mô phổi bị viêm nhiễm, gồm là viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng.
Khi nhiễm bệnh thì các phế nang, đường dẫn khí trong phổi có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Sẽ có nhiều tác nhân gây ra tình trạng viêm phổi, nhưng thông thường là do vi khuẩn, virus và nấm. Bệnh viêm phổi có nhiều mức độ khác nhau từ viêm nhiễm nhẹ đến viêm phổi nặng có nguy cơ đe doạ tính mạng con người. Bệnh viêm phổi đặc biệt nguy hiểm đối với đối tượng là các trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền hoặc hệ miễn dịch cơ thể suy yếu.
Nguyên nhân của viêm phổi
Bệnh viêm phổi là căn bệnh thường gặp ở rất nhiều đối tượng không phân biệt giới tính và lứa tuổi. Khi bị nhiễm bệnh chỉ sau một vài ngày, đa số người bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh dần sẽ trở nên khó thở và có nguy cơ cao dẫn tới tử vong. Nguyễn nhân gây bệnh viêm phổi có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào nguồn lây, mục đích, tác nhân gây bệnh,…
Viêm phổi do vi khuẩn
Vi khuẩn là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ em và người lớn. Viêm phổi do vi khuẩn nếu không chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí gây tử vong. Các loại vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp gồm: Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Haemophilus influenzae, Chlamydia pneumoniae, Legionella pneumophila,…
Theo như thống kê ghi nhận thì phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một loại vi khuẩn nguy hiểm thuộc nhóm này. Phế cầu khuẩn thường ở trong hầu họng, được lây truyền nhiều nhất qua đường không khí (như ho, hắt hơi) và lây lan khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người. Bệnh này có tỷ lệ gây tử vong từ 10%-20% và tỷ lệ 50% đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già.
Viêm phổi do virus (gồm cả Covid-19)
Theo thống kê của WHO – Tổ chức Y tế Thế giới thì có đến 30% trường hợp viêm phổi là do nhiễm virus. Nguyên nhân này đứng thứ 2 sau vi khuẩn trong số các nguyên nhân gây bệnh viêm phổi. Có rất nhiều loại virus gây viêm phổi như virus SARS-CoV-2 gây Covid-19, virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, cảm lạnh và cảm cúm,… Trước bối cảnh cao điểm của tình trạng dịch bệnh về đường hô hấp, viêm phổi do Covid-19 có xu hướng nặng hơn các dạng viêm phổi khác, gây viêm nhiễm nghiêm trọng hơn, có biến chứng nặng nề và kéo dài ở một số người.
Hiện nay, virus SARS-CoV-2 là tác nhân nguy hiểm nhất gây viêm phổi xâm lấn. Loại virus này có thể làm hỏng phế nang, khiến chất lỏng tích tụ trong phổi. Từ đó có thể dẫn đến sự phát triển của hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) – là một dạng suy hô hấp nghiêm trọng, khiến người bệnh phải can thiệp điều trị khẩn cấp kịp thời, chạy ECMO (tim – phổi nhân tạo), thậm chí có thể gây ra tử vong nhanh chóng.
Viêm phổi do nấm
Viêm phổi do nấm là tình trạng người bệnh hít phải bào tử của nấm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Viêm phổi do nấm phát triển rất nhanh bởi các bào tử nấm khi hít phải sẽ bám vào phổi. Bệnh này thường có diễn biến nhanh và rất phức tạp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí thiệt mạng.
Bên cạnh bào tử của nấm thì một vài tác nhân khác như: khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất, chế độ dinh dưỡng, vận động – sinh hoạt không đúng cách,… cũng tạo điều kiện cho bệnh viêm phổi do nấm hình thành và dễ dàng phát triển gây nên viêm phổi. Người hút thuốc lá, sinh sống ở môi trường bụi bẩn, ẩm mốc,… cũng là đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi do nấm.
Viêm phổi do hóa chất
Viêm phổi do hóa chất (hay còn gọi là viêm phổi hít) là bệnh viêm phổi hiếm gặp, ít xảy ra nhưng cực kỳ nguy hiểm vì tỷ lệ gây tử vong cao. Viêm phổi do hóa chất có nhiều mức độ khác nhau và mức độ nặng của bệnh sẽ phụ thuộc vào: loại hóa chất, thời gian phơi nhiễm, thể trạng người bệnh, các biện pháp sơ cứu đã thực hiện,… Ngoài ra, các hóa chất gây viêm phổi còn có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, gan, cơ quan tiết niệu,…
Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện
Là bệnh viêm phổi xảy ra sau 48 giờ nhập viện mà trước đó người bệnh không có biểu hiện các triệu chứng của viêm phổi. Viêm phổi bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện phổ biến nhất. Theo nghiên cứu thì ở các nước phát triển, viêm phổi mắc phải ở bệnh viện chiếm tỷ lệ 15% trong tổng số ca nhiễm khuẩn bệnh viện và chiếm 27% số ca nhiễm khuẩn ở khoa hồi sức cấp cứu – đây là một tỷ lệ rất cao.
Những vi khuẩn hàng đầu gây ra tình trạng bệnh này đó là: vi khuẩn gram dương (như Staphylococcus aureus bao gồm cả MRSA), trực khuẩn gram âm đường ruột (như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae), vi khuẩn gram âm không có nguồn gốc từ đường ruột (như Pseudomonas aeruginosa), các vi khuẩn cư trú ở hầu họng của các bệnh nhân đang mắc bệnh nặng nằm tại bệnh viện.
Triệu chứng của bệnh viêm phổi
Hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp đều có các triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, cũng cần phải biết rõ những triệu chứng viêm phổi có thể xảy ra để giúp phân biệt với cúm mùa hay cảm lạnh. Tùy vào tác nhân gây bệnh, giai đoạn phát triển cũng như mức độ tổn thương ở phổi mà bệnh viêm phổi có biểu hiện từ nhẹ cho đến nghiêm trọng hoặc là phổ biến và ít phổ biến như sau:
Dấu hiệu viêm phổi thường gặp
Dấu hiệu viêm phổi thường gặp sẽ xuất hiện ở các trường hợp viêm phổi cấp tính, triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và thường gặp ở trẻ nhỏ, người già:
- Đau tức ngực khi thở hoặc ho
- Ho, ho khan, ho có đờm
- Sốt trên 38 độ, đổ mồ hôi và thấy ớn lạnh
- Mệt mỏi, uể oải và chán ăn
- Thở nhanh, khó thở khi gắng sức
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy
Biểu hiện viêm phổi ít phổ biến
Biểu hiện viêm phổi ít phổ biến là từ các ca viêm phổi cấp tính mà phát hiện trễ hoặc không được can thiệp kịp thời sau khi nhiễm bệnh hơn 2 tuần trở lên. Những biểu hiện cũng gần như thể cấp tính nhưng kéo dài và gây ra nhiều ảnh hưởng hơn đến sức khỏe và lối sinh hoạt hàng ngày như:
- Ho ra máu
- Đau đầu
- Đau cơ và đau khớp
- Ở người cao tuổi có thể bị lú lẫn hoặc thay đổi ý thức
Với người bình thường khi mắc bệnh viêm phổi mà có triệu chứng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà và có thể hoàn toàn tự khỏi trong khoảng 2 tuần – 3 tuần. Còn đối với phụ nữ mang thai, nếu nghi ngờ bệnh viêm phổi thì cần lập tức đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Cách điều trị bệnh viêm phổi
Bệnh viêm phổi cần phải được phát hiện sớm, kịp thời điều trị để ngăn ngừa nhiễm trùng và chặn đứng các biến chứng về sau. Các phương pháp điều trị bệnh này cần phù hợp với từng triệu chứng và diễn tiến tình trạng của bệnh. Với một số trường hợp khi bệnh đã chuyển biến nặng thì việc điều trị sẽ hết sức khó khăn. Có những phương pháp điều trị bệnh viêm phổi bao gồm:
- Điều trị triệu chứng
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, sử dụng các loại thuốc như: thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau (Paracetamol), thuốc ho, thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản,… nhằm giúp kiểm soát tốt các triệu chứng viêm phổi và giảm bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh.
- Điều trị nguyên nhân
Tùy theo tác nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau:
- Viêm phổi do vi khuẩn: dùng các loại thuốc kháng sinh như Aspirin, Ibuprofen (Advil, Motrin IB,…) và acetaminophen (Tylenol). Nếu tình trạng bệnh không cải thiện thì bác sĩ có thể đề nghị một loại kháng sinh khác.
- Viêm phổi do virus: sẽ không có hiệu quả khi dùng kháng sinh để điều trị. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước để làm loãng đờm và chất nhầy trong cơ thể. Uống thuốc hạ sốt khi cơ thể bị sốt cao trên 38.5 độ C.
- Viêm phổi do nhiễm nấm: có thể điều trị tận gốc bằng cách dùng thuốc chống nấm thích hợp.
- Điều trị tại bệnh viện
Lưu ý là người trưởng thành, người già khi mắc viêm phổi nặng với biểu hiện khó thở nhiều lần, thở gắng sức cần được đưa đến bệnh viện điều trị sớm. Riêng với trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi có các biểu hiện viêm phổi đều cần phải nhập viện cấp cứu ngay. Trẻ nhỏ từ 2-5 tuổi nếu không ăn uống, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở rít cũng phải nhanh chóng lập tức nhập viện để điều trị.
- Điều trị tại nhà
Hầu hết các triệu chứng viêm phổi sẽ giảm bớt trong vài ngày hoặc vài tuần, còn cảm giác mệt mỏi, khó chịu có thể kéo dài trong 1 tháng hoặc dài hơn. Khi điều trị tại nhà, người bệnh sẽ uống thuốc theo đơn thuốc do bác sĩ chỉ định. Đồng thời, cần ghi nhớ lịch hẹn tái khám theo lời dặn hoặc đến bệnh viện ngay nếu có biến chứng nặng hơn như khó thở, sốt cao không hạ,…
Một số câu hỏi về bệnh viêm phổi
Sau đây là một số câu hỏi về bệnh viêm phổi mà nhiều người cũng thường thắc mắc về căn bệnh này.
Làm xét nghiệm máu có thể giúp xác định tình trạng nhiễm trùng thông qua số lượng bạch cầu. Bác sĩ có thể lấy máu từ ven để xác định loại vi khuẩn gây bệnh trong trường hợp bệnh viêm phổi có biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, để biết chính xác loại vi khuẩn gây viêm phổi thường sẽ làm xét nghiệm đờm (đàm).
Theo vài nghiên cứu, đồ ăn có nhiều muối, thịt, tinh bột là nguyên nhân làm tăng tình trạng đờm và ho. Những người ăn nhiều thịt, tinh bột tinh chế và natri sẽ làm tăng nguy cơ ho dai dẳng hơn so với những người ăn nhiều đậu và trái cây. Do đó, khi bị viêm phổi nên hạn chế ăn thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế.
Theo thống kê có tới hơn 50 loại bệnh viêm phổi khác nhau, ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh viêm phổi cũng có thể tự khỏi nhưng cũng có vài trường hợp xảy ra biến chứng tử vong như viêm phổi do virus SARS-CoV-2. Chính vì thế, nếu có triệu chứng nghi ngờ bệnh viêm phổi thì người bệnh cần đến khám bệnh tại các trung tâm y tế, bệnh viện uy tín. Không nên chủ quan cho rằng có thể tự khỏi mà không điều trị hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về sau.