Trĩ có mấy loại? Phân loại các cấp độ trĩ
Trĩ là một tình trạng bệnh liên quan đến vùng hậu môn, trực tràng, với các biểu hiện đặc trưng là tĩnh mạch giãn nở, gây sưng đau. Trĩ chia làm hai loại đó là trĩ nội và trĩ ngoại, mỗi loại lại biểu hiện ở nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Vì vậy, phân loại cấp độ trĩ là một điều quan trọng, giúp mỗi người nhận biết bản thân đang ở giai đoạn nào, để có cách điều trị phù hợp.
Mục lục
Bệnh trĩ là gì?
Trĩ thực tế đó là sự giãn nở một cách quá mức của các đám tĩnh mạch ở trực tràng dưới và hậu môn, gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh với biểu hiện dễ nhận biết nhất là chảy máu hậu môn. Bệnh lý này có mức độ phổ biến khá cao, hầu hết ai cũng sẽ bị trĩ ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mắc trĩ đều nhẹ, có thể khỏi hẳn nhờ cải thiện lối sống.
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ thường bắt nguồn từ các khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Cụ thể, một số các yếu tố có thể thúc đẩy bệnh trĩ bao gồm ăn thực phẩm chế biến sẵn, lối sống ít vận động và sử dụng điện thoại di động khi đi đại tiện, dẫn đến thời gian đi vệ sinh nhiều hơn.
Có mấy loại bệnh trĩ?
Dựa vào đặc điểm giải phẫu, trĩ được chia thành 2 dạng chính, đó là trĩ nội và trĩ ngoại. Ngoài ra còn có trĩ hỗn hợp, là trường hợp người bệnh bị cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại. Theo đó, trĩ nội, hay còn gọi là Internal Hemorrhoids, là tình trạng trĩ xuất hiện trên đường lược, bên trong khu vực trực tràng. Ngược lại, trĩ nội, hay còn gọi là External Hemorrhoids, là tình trạng trĩ nằm phía dưới đường lược, nằm ở vùng dưới da quanh hậu môn.
Phân loại các cấp độ của bệnh trĩ
Hiện nay, phân loại cấp độ trĩ chỉ áp dụng cho bệnh trĩ nội, dựa vào độ sa của búi trĩ. Đối với trĩ ngoại, tình trạng của trĩ sẽ được phân chia thành các thời kỳ, tương ứng với mức độ từ nhẹ đến nặng.
Đối với trĩ nội
Cấp độ 1: Đây là thời điểm mà trĩ mới hình thành, là tình trạng nhẹ nhất của trĩ. Khi đó, các búi trĩ vẫn nằm ở bên trong trực tràng, không sa ra ngoài hậu môn. Ở cấp độ này, cách nhận biết dễ nhất đó là hiện tượng chảy máu tươi, đến từ việc trĩ cương tụ, máu có thể nhỏ giọt hoặc bắn tia. Khi khám nội soi, các bác sĩ sẽ nhìn thấy xuất hiện các nốt sần ở niêm mạc trực tràng.
Cấp độ 2: Đây là giai đoạn nặng hơn của cấp độ 1, máu sẽ chảy nhiều hơn. Các búi trĩ phát triển với kích thước to hơn, lòi ra khỏi hậu môn khi đi tiêu song có thể tự thụt lại mà không cần can thiệp. Các búi trĩ lúc này trở nên dày hơn, có thể chuyển sang màu đỏ tím và tiết dịch.
Cấp độ 3: Các búi trĩ sa hẳn ra ngoài, không thể tự co vào như ở cấp độ 2, lúc này người bệnh phải dùng tay để đẩy búi trĩ vào. Đồng thời, kích thước các búi trĩ nội cũng tăng dần, kèm theo đó là sự gia tăng đau rát, ngứa ngáy và khó chịu. Ở cấp độ này, nếu chỉ vận động nhẹ như ngồi xuống, ho hoặc đi bộ, búi trĩ có thể lòi ra ngoài dễ dàng.
Cấp độ 4: Đây là cấp độ cao nhất của trĩ nội và các triệu chứng của bệnh trĩ cũng là nghiêm trọng nhất. Lúc này, các búi trĩ đã trở nên sưng to đáng kể, lòi hẳn ra ngoài không thể tự co hay dùng tay đẩy vào trong. Thay vì chảy máu, các búi trĩ tiết dịch nhầy nhiều hơn, gây ra tình trạng ẩm ướt, dẫn đến viêm loét và thậm chí là gây hoại tử búi trĩ.
Đối với trĩ ngoại
Nhiều người cho rằng, trĩ ngoại không nguy hiểm bằng trĩ nội, bởi trĩ nội thường khó nhận biết và có những diễn tiến phức tạp hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đầu ngành, cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại đều có mức độ nguy hiểm như nhau, bởi nếu không điều trị trĩ kịp thời, nó có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.
Thời kỳ thứ nhất: Đây là giai đoạn đầu của trĩ ngoại, các triệu chứng vẫn chưa rõ ràng nên rất khó để nhận biết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh sẽ bắt đầu thấy ngứa rát và khó chịu ở vùng hậu môn. Các búi trĩ đang bắt đầu hình thành nên sẽ có cảm giác hơi cộm.
Thời kỳ thứ hai: Lúc này, các búi trĩ đã lòi ra khỏi hậu môn và tạo ra các búi trĩ ngoằn ngoèo. Trĩ ngoại thời kỳ 2 dễ nhận biết bởi cảm giác đau đớn, khó chịu khi đi đại tiện. Đồng thời, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, các búi trĩ ở vùng hậu môn sẽ rất dễ bị viêm nhiễm.
Thời kỳ thứ ba: Các búi trĩ ở thời kỳ này đã phát triển gần như cực đại, thậm chí có thể bị tắc nghẽn mạch máu gây chảy máu, có hiện tượng xuất huyết. Người bệnh sẽ vô cùng đau đớn, nếu để tình trạng này kéo dài, rất dễ xảy ra thiếu máu và nứt kẽ hậu môn.
Thời kỳ thứ tư: Đây chính là thời kỳ nặng nhất của trĩ ngoại, khi búi trĩ có kích thước to lên một cách rõ rệt, gây sưng và cảm giác đau đớn tột độ cho người bệnh. Lúc này, người bệnh sẽ cảm giác khó chịu và khó khăn hơn trong sinh hoạt, ví dụ như đi lại, vệ sinh và cả quan hệ tình dục.
Đối với các trĩ nội và trĩ ngoại, đặc biệt là trĩ hỗn hợp, càng về cấp độ cuối và thời kỳ cuối, người bệnh sẽ có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm. Điển hình là chứng thiếu máu do mất máu mãn tính, điều này xuất phát từ việc số lượng hồng cầu cần thiết không đủ cho quá trình trao đổi oxy cho tế bào. Hình thành cục máu đông ở trĩ nội và gây tắc mạch máu ở trĩ ngoại là những biến chứng phổ biến nhất. Ngoài ra, nếu để lâu mà không chữa trị, người bệnh có thể bị trĩ sa nghẹt, nhiễm khuẩn, loét trĩ,…
Cách làm giảm các cấp độ của bệnh trĩ
Đối với bệnh trĩ, dù là trĩ ngoại, trĩ nội hay trĩ hỗn hợp, cách chữa trị chung cho cả ba vẫn là áp dụng chế độ ăn uống và sinh hoạt một cách khoa học. Cụ thể, người bệnh chỉ cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước và quan trọng là tránh ngồi nhiều, vận động thường xuyên nhằm tránh táo bón là đã có thể khiến bệnh thuyên giảm đáng kể. Tuy nhiên, một áp dụng các biện pháp chăm sóc y tế, trĩ nội và trĩ ngoại sẽ có cách chữa trị riêng biệt.
Đối với trĩ nội
Đối với các trường hợp bệnh trĩ thuộc cấp độ 1,2,3, các bác sĩ thường sẽ chỉ định điều trị nội khoa. Để cải thiện tình trạng bệnh, làm giảm sự đau đớn, viêm nhiễm, một số các phương pháp được đưa ra bao gồm uống thuốc, bôi thuốc. Cùng với đó là tăng cường ăn nhiều chất xơ, có trong trái cây, rau củ, uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý.
Trong trường hợp trĩ nội, nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các phương pháp ngoại khoa. Bao gồm thắt dây chun (dùng cho trĩ nội độ 2 và 3), tiêm xơ (cấp độ 1 và 2), quang đông hồng ngoại (cấp độ 1,2), đốt laser (trĩ độ 2). Đối với các trường hợp trĩ nội độ 3 và 4, có thể được chỉ định phẫu thuật với các phương pháp cắt trĩ hiện đại, an toàn nhất phải kể đến như, Longo, PPH, THD, Millian Morgan,…
Đối với trĩ ngoại
Cũng như trĩ nội, tùy vào từng mức độ khác nhau mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp. Hầu hết các trường hợp trĩ nhẹ, chỉ cần điều trị nội khoa bằng cách uống thuốc, bôi thuốc là sẽ khỏi. Đối với trĩ ngoại ở các thời kỳ cuối như 3,4, có thể chuyển sang phẫu thuật cắt trĩ, khi các búi trĩ không còn độ đàn hồi.
Ngoài ra, người bệnh trĩ ngoại nên áp dụng một số các cách để giúp cải thiện bệnh trĩ tại nhà, vừa đơn giản mà lại đạt hiệu quả tốt, phần nào giảm thiểu các cơn đau, giảm tiết nhầy và giúp các búi trĩ trở nên khô ráo. Bên cạnh việc tăng cường chất xơ, các thực phẩm nhuận tràng giúp đi tiêu tốt, người bệnh có thể thực hiện một số các biện pháp như sau:
Ngâm nước ấm: Điều này giúp giảm hẳn tình trạng sưng, viêm và kích thích ở vùng hậu môn. Đồng thời, nó cũng giúp làm sạch vùng hậu môn, nhất là khi có tiết dịch nhầy. Mặc dù không chữa khỏi bệnh trĩ, song việc ngâm nước ấm mỗi ngày sẽ làm dịu sự kích ứng. Bạn có thể chỉ ngâm với nước ấm, hoặc hiệu quả hơn nếu ngâm chung với muối, giấm, baking soda hoặc là thuốc ngâm, ví dụ như povidone-iodine.
Chườm lạnh: Đây cũng là một biện pháp giúp loại bỏ các cơn đau rát, khó chịu ở vùng hậu môn. Đối với các trường hợp trĩ ngoại có búi trĩ sưng to và lòi ra ngoài, bạn có thể sử dụng túi đá hoặc khăn lạnh để chườm trực tiếp vào vùng hậu môn. Tuy nhiên, bạn không nên cho đá chườm trực tiếp lên búi trĩ mà nên đặt đá trong lớp khăn bằng vải.
Ở cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại, các cấp độ càng cao minh chứng cho tình trạng bệnh càng nặng và khó điều trị hơn. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nghi bị trĩ, mỗi người cần nên tìm hiểu ngay để xác định tình trạng của mình đang ở giai đoạn nào. Thực tế, đối với trĩ ở mức độ nhẹ, nó không quá đau đớn, có thể điều trị tại nhà và không cần đến bệnh viện. Tuy nhiên, khi chuyển sang trĩ độ 3,4, hãy bỏ qua tự ti và đến ngay bệnh viện, các bác sĩ sẽ giúp bạn thoát khỏi trĩ một cách nhanh chóng.