Tại sao phụ nữ bị loãng xương? Cách phòng tránh
Loãng xương là một trong những căn bệnh xương khớp khá phổ biến, thường gặp hiện nay và có xu hướng ngày càng tăng. Bệnh này gặp nhiều ở người cao tuổi và nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy thì tại sao phụ nữ bị loãng xương, do nguyên nhân gì và có những triệu chứng như thế nào. Bài viết sau đây xin chia sẻ các thông tin cần thiết để mỗi người có thêm kiến thức về căn bệnh loãng xương để bảo vệ sức khỏe bản thân nhiều hơn.
Mục lục
Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương (hay còn gọi: xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục bị mỏng dần đi nên sẽ xốp và trở nên giòn hơn. Từ đó sẽ dễ tổn thương và gãy khi lỡ không may bị chấn thương dù chỉ là chấn thương nhẹ. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ phần xương nào của cơ thể. Thường gặp nhất là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Có một số xương khi bị gãy sẽ không có khả năng lành lại như xương cột sống và xương đùi.
Loãng xương được coi là một căn bệnh khó có thể điều trị dứt điểm và để lại những hậu quả hết sức nặng nề như là: Gãy xương, làm gù vẹo cột sống, làm giảm khả năng lao động, vận động đi lại khó khăn,… Gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Tuổi càng cao thì tình trạng giòn xương sẽ càng nặng hơn. Vì khi lớn tuổi, quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi gây ra những rối loạn trong quá trình tạo xương và hủy xương, dẫn tới giảm mật độ xương.
Các triệu chứng của bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương thường xảy ra âm thầm, không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không biết chắc chắn rằng mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các chấn thương nhỏ như té ngã, va đập,… Dưới đây là những triệu chứng của bệnh loãng xương chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Cũng có một số trường hợp chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có các dấu hiệu gãy xương.
- Giảm mật độ xương. Tình trạng này sẽ khiến xương cột sống trong cơ thể có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi sẽ lom khom, bị gù lưng.
- Đau nhức đầu xương. Đây là triệu chứng của bệnh loãng xương mà người bệnh dễ nhận ra nhất khi bị giảm mật độ xương. Bệnh này sẽ gây mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức toàn thân giống như kim chích.
- Đau tại các vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, bao gồm: xương cột sống, xương thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Những cơn đau ở đây sẽ tái phát nhiều lần sau chấn thương và đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau này có thể tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu và cũng thuyên giảm bớt nếu nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn. Tình trạng này sẽ gây ra ảnh hưởng tới những dây thần kinh ở liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Các cơn đau ở lưng trở nặng khi người bệnh vận động mạnh hay thay đổi tư thế đột ngột. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi làm các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người.
- Tình trạng giảm mật độ xương ở người tuổi trung niên có thể kèm theo những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp,…
Tại sao phụ nữ bị loãng xương?
Bệnh loãng xương là tình trạng cơ thể chúng ta bị suy giảm mật độ xương và tổn thương vi cấu trúc của xương. Điều này sẽ làm suy giảm sức mạnh của xương, khiến cho xương dễ bị gãy. Đó cũng chính là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Theo thống kê nghiên cứu cho thấy, phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới. Vậy tại sao phụ nữ bị loãng xương, có một số nguyên nhân chính đó là:
- Phụ nữ bị loãng xương do mang thai
Mang thai và sinh con là một trong những nguyên nhân chính có ảnh hưởng đến bộ xương của người mẹ, là yếu tố gây ra bệnh loãng xương ở phụ nữ. Lý do bởi vì khi mang thai thì thai nhi rất cần khoáng chất và canxi để phát triển, hình thành cơ thể hoàn chỉnh. Tất nhiên lượng chất này được lấy từ người mẹ.
Nếu cơ thể của người mẹ không được cung cấp đủ lượng canxi trong giai đoạn này thì khi lượng canxi cần thiết cho thai nhi được lấy đi, người mẹ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu canxi và dễ bị loãng xương. Do đó khi mang thai và sinh con thì xương phụ nữ dễ bị xốp và loãng xương hơn.
Không chỉ phụ nữ lớn tuổi mang thai mới dễ mắc bệnh mà bệnh loãng xương cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ, bao gồm những phụ nữ tiền mãn kinh ở độ tuổi từ 20, 30 và 40. Một số phụ nữ trẻ, có mật độ xương thấp cũng có nguy cơ bị loãng xương.
- Phụ nữ bị loãng xương do thay đổi nội tiết tố
Các chị em phụ nữ có những dao động nội tiết tố ở các thời kỳ và giai đoạn khác nhau trong suốt cuộc đời như: trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh và thời kỳ mãn kinh. Đặc biệt chính sự sụt giảm mạnh về nồng độ của hormone estrogen trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ đã làm gia tăng quá trình hủy xương, giảm sự hấp thụ canxi làm giảm mật độ xương. Từ đó dẫn đến phụ nữ dễ bị loãng xương hơn.
Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác gây ra bệnh loãng xương, đó là:
- Do di truyền. Những người trong gia đình đã có tiền sử mắc bệnh loãng xương.
- Do tuổi tác. Những người có độ tuổi trên 70 tuổi sẽ dễ bị loãng xương.
- Do yếu tố sắc tộc. Người da vàng và da trắng là những đối tượng có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người da đen.
- Do cân nặng. Những đối tượng có trọng lượng cơ thể nhẹ, bị thấp bé và nhẹ cân.
- Những người có nghề nghiệp tĩnh tại, ít vận động, ít di chuyển và không chăm tập luyện thể dục thể thao.
- Người có mắc một số bệnh lý như: cường giáp, suy thận, cắt dạ dày – ruột, cắt buồng trứng,…
- Có sử dụng một số loại thuốc kéo dài như thuốc corticosteroid, thuốc chống động kinh, thuốc lợi tiểu,…
- Chế độ dinh dưỡng các bữa ăn hàng ngày không đầy đủ, bị thiếu canxi, vitamin D và các nguyên tố vi lượng khác.
- Có lối sống và sinh hoạt không lành mạnh như: hút thuốc lá, uống nhiều rượu, cafe, trà đặc,…
Cách phòng tránh loãng xương
Để làm chậm cũng như phòng ngừa bệnh loãng xương, ngoài việc xác định nguyên nhân gây loãng xương thì cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Bổ sung cho cơ thể đầy đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết qua chế độ ăn uống và tham khảo thêm bác sĩ để được tư vấn các loại viên uống bổ sung phù hợp.
- Những phụ nữ trong nhóm đối tượng nguy cơ nên đo độ loãng xương để kiểm tra và phát hiện sớm dấu hiệu loãng xương (nếu có).
- Thường xuyên tập thể dục đều đặn để có một hệ xương chắc khỏe, tăng sự dẻo dai cho cơ bắp, đặc biệt đối với người lớn tuổi.
- Không được hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích để tránh gây tổn hại đến xương khớp.
- Khi xuất hiện các vấn đề về xương khớp (như là: đau xương khớp, đau cơ bắp, bị chuột rút thường xuyên,…) thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
- Không nên lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm xương khớp. Bởi vì lạm dụng các thuốc này có thể gây nên tình trạng loãng xương thêm trầm trọng, dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm khác.
- Thực hiện việc kiểm tra và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện ra những vấn đề xấu để có biện pháp điều trị sớm.
- Cẩn thận trong khi sinh hoạt và làm việc để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.