So sánh Sắt II và Sắt III: hấp thu, tác dụng phụ
Ai cũng biết sắt là chất rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể chúng ta. Vì trong các loại thực phẩm hàng ngày không thể cung cấp đầy đủ liều lượng sắt cần thiết cho cơ thể nên sẽ cần sử dụng thêm thực phẩm chức năng bổ sung sắt. Có khá nhiều loại thuốc sắt, trong đó chế phẩm từ sắt II và sắt III là hai trong số những loại thuốc sắt phổ biến. Nên việc tìm hiểu sự khác nhau, so sánh hấp thu và tác dụng phụ giữa Sắt II và Sắt III là điều cần thiết để bạn lựa chọn được loại sắt tốt nhất để sử dụng.
Mục lục
Cơ chế hấp thu Sắt II và Sắt III trong cơ thể
Sau khi chất sắt vào cơ thể sẽ được hòa tan ở dạ dày, đây cũng là lý do nên uống sắt khi đang đói và những người bị cắt bỏ 1 phần dạ dày thường mắc bệnh thiếu sắt cũng là do nguyên nhân này. Sau đó chất sắt được hấp thu hầu hết ở tá tràng và một đoạn đầu ruột non.
Tại tá tràng thì các loại Sắt II hấp thu theo cơ chế bị động, nghĩa là chất sắt được hấp thu nhờ sự chênh lệch nồng độ, từ nơi cao (dạ dày ,ruột sau khi uống thuốc) đến nơi thấp. Điều này làm cho lượng ion sắt trong máu tăng cao nên gây ra lắng đọng sắt.
Còn với Sắt III thì được chuyển thành Sắt II nhờ hệ thống ferric reductase. Sau khi khử thành Sắt II, các ion sắt vận chuyển chủ động vào tế bào ruột bởi kênh vận chuyển sắt ở màng đỉnh DMT1. Chính vì quá trình này là chủ động nên lượng sắt được đưa vào máu luôn dưới sự kiểm soát của cơ thể nên không xảy ra tình trạng quá liều.
Tuy nhiên, Sắt III cần phải chuyển thành dạng Sắt II trước khi hấp thu nên sự hấp thu sắt III sẽ xảy ra chậm hơn. Để giúp việc hấp thu sắt diễn ra nhanh hơn, bạn có thể dùng thêm vitamin C từ rau củ quả hay các loại thuốc bổ sung.
So sánh hấp thu và tác dụng phụ giữa Sắt II và Sắt III
Sắt II là loại sắt có hàm lượng sắt nguyên tố cao nhất, dễ được hấp thu tại ruột non. Đây cũng là loại thuốc sắt bổ sung mà các bác sĩ thường khuyên dùng nhất. Tuy nhiên, có một khuyết điểm của Sắt II là để lại những tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, táo bón, đầy hơi, phân đen, đau bụng… khiến cơ thể khó chịu. Còn Sắt III lại là dạng sắt an toàn hơn cho cơ thể nhờ cơ chế hấp thu tự kiểm soát của cơ thể. Để dễ hình dung thì có thể tham khảo bảng so sánh hấp thu và tác dụng phụ giữa Sắt II và Sắt III dưới đây:
Sắt II | Sắt III | |
Sự hấp thu | Dễ được hấp thu tại ruột non. Cơ chế hấp thu bị động nên không kiểm soát được liều lượng | Cần phải chuyển thành dạng Sắt II trước khi hấp thu nên quá trình diễn ra chậm hơn.Cơ chế hấp thu chủ động nên lượng sắt được kiểm soát. |
Tác dụng phụ | Có vài tác dụng phụ như: buồn nôn, táo bón, đầy hơi, phân đen, đau bụng… | Ít tác dụng phụ hơn Sắt II. Theo một nghiên cứu thì có 25% bệnh nhân sử dụng Sắt II phải trải qua tất cả các tác dụng phụ này trong khi tỷ lệ này là 1,9% ở nhóm bệnh nhân sử dụng Sắt III. |
Để cân bằng giữa việc tăng cường hấp thu sắt nhanh và hiệu quả với cách làm giảm được các tác dụng phụ của hệ tiêu hóa cũng là vấn đề nan giải đối với giới nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó, nguyên nhân chính thiếu máu là do thiếu sắt. Vì thế việc bổ sung chất sắt cần đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng nên việc giảm các tác dụng phụ cần được xem trọng, nhất là với một số đối tượng cần bổ sung lượng sắt nhiều: trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt,…
Nên uống Sắt II hay Sắt III thì tốt hơn?
Theo như nhiều nghiên cứu về Sắt II và Sắt III thì các chuyên gia đều nhận định rằng cả 2 loại sắt này đều cho ra kết quả tương đương nhau trong việc giúp điều trị bệnh thiếu máu. Vì thế cũng không cần quá băn khoăn là nên chọn loại Sắt II hay Sắt III vì chúng có lượng sắt bổ sung tốt như nhau.
Còn nếu dựa vào sự so sánh hấp thu và tác dụng phụ giữa Sắt II và Sắt III đã nêu trên thì cơ thể chúng ta sẽ hấp thu Sắt II dễ dàng hơn Sắt III. Tuy nhiên Sắt II lại dễ gây ra sự dư thừa do cơ chế thụ động không kiểm soát được còn Sắt III tuy có quá trình hấp thu chậm hơn nhưng lại không gây ra sự quá liều lượng.
Về các tình trạng ợ nóng, táo bón, buồn nôn hay tiêu chảy,… do tác dụng phụ gây ra thì cả 2 loại đều có, nhưng Sắt III sẽ ít hơn Sắt II cũng như tuỳ thuộc vào cơ địa và tình trạng cơ thể mỗi người mà có những triệu chứng khác nhau.
Những cách giúp tăng việc hấp thu sắt cho cơ thể
Ngoài việc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung chất sắt thì việc tiêu thụ những thực phẩm tươi, giàu chất sắt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu chất dinh dưỡng này. Một số loại thực phẩm có thể giúp tăng cường quá trình hấp thu, nhưng cũng có loại khác có thể ngăn chặn quá trình này.
Kết hợp cùng vitamin C, vitamin A và beta-carotene
Cách tốt nhất để hấp thu chất sắt đó là kết hợp chúng với các thực phẩm giàu vitamin C như chanh, ớt chuông và cà chua. Vitamin C sẽ giúp cơ thể chúng ta dự trữ chất sắt ở dạng dễ hấp thu hơn. Các thực phẩm giàu vitamin A và beta-carotene cũng rất hữu ích trong việc giúp hấp thu sắt trong cơ thể. Theo một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu vitamin A có thể làm tăng sự hấp thu sắt từ gạo và lúa mì là 20% và 80%.
Hạn chế dùng Phytate, Caffeine và tanin
Việc dùng Phytate và thực phẩm chứa Axit phytic với thực phẩm giàu chất sắt có thể làm cơ thể chúng ta giảm sự hấp thu chất sắt. Axit phytic là chất thường có trong các loại thực phẩm như: ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc, đậu nành, các loại đậu,… Có thể chống lại tác dụng của Axit phytic bằng cách bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin C trong các bữa ăn hàng ngày.
Chất Tanin trong trà và caffeine trong cà phê cũng là các hợp chất không tốt cho việc hấp thu sắt. Nếu chúng ta uống cà phê hoặc trà khi gần đến bữa ăn có thể gây cản trở quá trình cơ thể hấp thu sắt.
Những so sánh hấp thu và tác dụng phụ giữa Sắt II và Sắt III trong bài viết trên hy vọng đã giúp bạn hiểu thêm các thông tin cần biết về 2 loại sắt này. Vì thế để có được kết quả tốt nhất, thích hợp với tình trạng sức khỏe thì bạn nên tìm hiểu rõ ràng những loại thực phẩm bổ sung sắt để lựa chọn được sản phẩm phù hợp, nhất là với trẻ em và mẹ bầu – là những đối tượng cần bổ sung liều lượng sắt quan trọng.