Phụ nữ 40 tuổi có sinh con được không?
Theo các chuyên gia đầu ngành sản phụ khoa, các chị em phụ nữ nên cố gắng sinh con trong độ tuổi từ 20- 35 bởi đây là giai đoạn chất lượng trứng tốt nhất, dễ thụ thai cũng như hạn chế các rủi ro như thai lưu, thai ngoài tử cung, dọa sảy thai. Cùng với lời khuyên đó, không ít người cũng có những thắc mắc khác như “phụ nữ 40 tuổi có sinh con được không”, “40 tuổi sinh con liệu có nguy hiểm” hay “khả năng thụ thai ở phụ nữ 40 tuổi là bao nhiêu? Hãy cùng giải đáp những câu hỏi này bằng những thông tin dưới đây.
Mục lục
Phụ nữ 40 tuổi có sinh con được hay không?
Trong nhiều năm gần đây, sinh con ở độ tuổi 40 ngày càng trở nên phổ biến. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tỷ lệ này đã tăng lên từ những năm 1970, với số lần sinh con đầu lòng ở phụ nữ 40 đến 44 tuổi tăng gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2012. Mặc dù hầu hết đều khuyên rằng, phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không thể sinh con ở độ tuổi 40.
Việc sinh con ở độ tuổi 40 đôi khi mang đến những lợi ích không ngờ so với khi ở độ tuổi 20 hoặc 30. Dưới đây là một số các lợi ích mà bạn có thể nhận ra khi mang thai ở độ tuổi này:
Đầu tiên: Độ tuổi 40 là thời điểm mà các chị em đã có một công việc ổn định, không còn chênh vênh như ở độ tuổi 20 hay 30. Nhờ đó, bạn có một nguồn tài chính thuận lợi cũng như có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc nuôi dạy con cái. Thêm vào đó, những người phụ nữ ở độ tuổi này đã sự dày dặn về kinh nghiệm sống cũng như nuôi con.
Thứ hai: Tỉ lệ ly hôn ngày nay có xu hướng tăng lên, bởi phụ nữ ngày nay độc lập về tài chính, họ sẵn sàng chia tay nếu như không còn hạnh phúc trong mối quan hệ vợ chồng. Từ 40 tuổi trở đi, khi đã tìm được bến đỗ mới, họ thiết tha mong muốn sinh con với người bạn đời của mình. Đó hoàn toàn là một mong ước chính đáng mà bất cứ người phụ nữ nào cũng xứng đáng có được.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy việc sinh con ở độ tuổi 40 cũng mang đến nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn như giảm suy giảm nhận thức, tuổi thọ dài hơn, kết quả giáo dục tốt hơn ở trẻ em. Mặc dù không còn sức khỏe và tràn đầy năng lượng của những năm tháng tuổi trẻ nhưng phụ nữ 40 tuổi lại có sự kiên trì, nhẫn nại cũng như có điều kiện để chia sẻ, quan tâm đến con cái nhiều hơn.
Nguy cơ khi phụ nữ sinh con ở độ tuổi 40
Nhờ sự tiến bộ trong công nghệ liên quan đến khả năng sinh sản, mang thai và sinh nở, bạn hoàn toàn có thể sinh con an toàn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bất kỳ lần mang thai nào từ độ tuổi 40 trở lên đều được coi là có nguy cơ cao. Việc mang thai và sinh con ở độ này có thể khiến bạn gặp phải một số các vấn đề đáng lo ngại sau:
Khó có con: Theo như chúng ta được biết, độ tuổi có khả năng sinh sản cao nhất là từ 20 đến 24. Khả năng sinh sản sẽ bắt đầu giảm dần ở độ tuổi 30. Đặc biệt, khi bước sang tuổi 45, khả năng mang thai ở phụ nữ là rất thấp, đến mức hầu hết các trường hợp đều khó thể mang thai tự nhiên. Thêm vào đó, chất lượng tinh trùng ở người đàn ông cũng suy giảm theo tuổi tác.
Những rủi ro cho mẹ: Phụ nữ lớn tuổi thường có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn so với phụ nữ trẻ tuổi, chẳng hạn như cao huyết áp. Điều này có thể khiến bạn có nguy cơ bị tiền sản giật, đó là khi đột nhiên huyết áp tăng lên và gây tổn thương đến nội tạng. Tình trạng này nếu không được điều trị, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn hoặc gây tử vong cho mẹ và con.
Các nguy cơ cho con: Mặc dù phụ nữ 40 tuổi có thể sinh con được song khi mang thai quá muộn, nó có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe em bé, ngay cả khi người mẹ khỏe mạnh. Một số các vấn đề có thể xảy ra như thai to, nhau thai tiền đạo, tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, sảy thai hoặc thai chết lưu, nguy cơ sinh mổ cao hơn, hội chứng Down, thiếu máu,vv…
Cần chuẩn bị gì khi mang thai ở độ tuổi 40?
Để chuẩn bị sinh con, điều quan trọng là phải lập kế hoạch, điều này càng cần thiết nếu bạn quyết định sinh sau 40 tuổi. Khả năng mang thai ở độ tuổi 40 là từ 40-50%, một tỉ lệ không quá cao. Đến năm 43 tuổi, tỉ lệ chỉ còn 1-2%. Vì vậy, để chuẩn bị cho việc sinh con, bạn cần trò chuyện với bác sĩ.
Đầu tiên, nếu muốn mang thai, hãy đảm bảo rằng sức khỏe của mình ở trạng thái tốt nhất. Cụ thể, ngừng sử dụng rượu, cần sa và tránh xa khói thuốc lá. Đồng thời, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về các vitamin trước sinh, chẳng hạn như axit folic.
Thứ hai, bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống và lối sống một cách lành mạnh. Song song với đó là sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) cũng như giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh trước khi mang thai.
Thứ ba, ở độ tuổi này, việc mang thai tự nhiên là không dễ. Vì vậy, nếu bạn quan hệ tình dục 3 lần một tuần trong suốt 3 tháng mà vẫn không thể mang thai mặc dù không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào, nên liên hệ với bác sĩ để được khám và đưa ra lời khuyên hữu ích nhất.
Thứ tư, nếu không muốn sinh con ở độ tuổi còn trẻ nhưng có thể muốn sinh con ở độ tuổi lớn hơn, bạn nên trao đổi với bác sĩ về bảo quản lạnh tế bào trứng. Đó là phương pháp lấy một số trứng từ buồng trứng của người phụ nữ và đông lạnh để bạn có thể sử dụng sau này.
Cách thụ thai ở độ tuổi 40
Đối với những trường hợp thả mang thai trong suốt 6 tháng nhưng không thành công, các cặp đôi nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán. Khi đó, các chuyên gia sinh sản sẽ tiến hành thực hiện các xét nghiệm để xem liệu yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bạn. Đó có thể là bao gồm siêu âm để kiểm tra tử cung và buồng trứng hoặc xét nghiệm máu để kiểm ra buồng trứng dự trữ của bạn.
Trong trường hợp khó hoặc không thể sinh con, các bác sĩ thường sẽ đưa ra một số các phương pháp nhằm tăng khả năng thụ thai như sau:
Thuốc hỗ trợ sinh sản: Những loại thuốc này giúp bổ sung các hormone giúp hỗ trợ quá trình rụng trứng thành công.
Công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART): Đó là một phương pháp kết hợp tinh trùng và trứng trong phòng thí nghiệm để phát triển phôi, sau đó phôi sẽ được đông lạnh để sử dụng về sau. ART có thể có tác dụng đối với những phụ nữ có vấn đề về rụng trứng cũng như hữu ích đối với những người mang thai hộ: Tỉ lệ thành công của phương pháp này là từ 11% ở phụ nữ độ tuổi từ 41-42. Một trong những loại ART phổ biến nhất là IVF.
Thụ tinh trong tử cung (IUI): Còn được gọi là thụ tinh nhân tạo, quá trình này hoạt động bằng cách tiêm tinh trùng vào tử cung. IUI có thể nói là đặc biệt hữu ích cho những trường hợp nghi ngờ vô sinh nam.
Những lưu ý khi mang thai và sinh con ở độ tuổi 40
Cũng giống như thụ thai, việc mang thai sau độ tuổi 40 cũng khiến các chị em cảm thấy khó khăn hơn khi tuổi tác đã lớn. Dưới đây là một số trở ngại mà các chị em phụ nữ có thể gặp phải khi mang thai ở độ tuổi này.
Bạn có thể bị đau nhức nhiều hơn do các khớp và xương đã bắt đầu mất dần khối lượng theo tuổi tác. Ngoài ra, bạn cũng dễ bị cao huyết áp và tiểu đường thai kỳ. Từ 40 tuổi trở đi, việc mang thai cũng gây ra sự mệt mỏi một cách rõ rệt hơn.
Ở độ tuổi sau 40, bạn có nhiều khả năng sinh mổ hơn sinh thường. Điều này chủ yếu đến từ các phương pháp điều trị sinh sản bạn đang áp dụng có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ bị tiền sản giật, có thể phải bắt buộc sinh mổ để cứu cả mẹ lẫn con.
Việc sinh con qua đường âm đạo có thể xảy ra, tuy nhiên quá trình này sẽ khó khăn hơn khi tuổi tác càng cao. Hơn nữa, nguy cơ thai chết lưu cũng tăng lên.
Qua những thông tin ở trên, chắc hẳn các chị em đã có câu trả lời cho vấn đề “phụ nữ 40 tuổi có sinh con được không” rồi. Thực tế, bạn vẫn có thể mang thai tự nhiên ở độ 40 tuổi hoặc có cơ hội sinh con ở độ tuổi muộn hơn nhờ các phương pháp can thiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không ít các rủi ro có thể xảy đến. Vì vậy, nếu có thể, hãy cố gắng sinh con trước 35 tuổi để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho cả mẹ và bé.