Những cách giúp giảm bệnh ngủ ngáy
Ngủ ngáy là một tình trạng thường xuyên gặp phải ở rất nhiều người. Tuy nhiên, đây là một thói quen không tốt, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vừa ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người bên cạnh. Dưới đây là những cách giúp giảm bệnh ngủ ngáy mà bạn nên tham khảo để áp dụng.
Mục lục
Bệnh ngủ ngáy là gì?
Ngủ ngáy là hiện tượng một người khi đang ngủ gây ra âm thanh ở đường hô hấp. Tình trạng này được giải thích là do có luồng khí đi qua vùng hẹp ở đường hô hấp như (họng, mũi hoặc miệng) khiến vùng niêm mạc các mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh mà thường gọi là tiếng “ngáy”.
Người ngủ ngáy thường nghĩ rằng việc này đôi khi chỉ gây phiền toái đôi chút cho người xung quanh chứ không ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe của mình. Nhưng quan điểm này lại là một suy nghĩ sai lầm vì nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc ngủ ngáy có liên quan với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: đột quỵ, các bệnh về tim mạch, tình trạng thừa cân béo phì, đau đầu, thiếu ngủ,…
Ngủ ngáy là một hiện tượng phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng chủ yếu thường gặp ở nam giới, nhất là những người có tình trạng thừa cân hay béo phì. Theo một cuộc nghiên cứu trên 2.000 người thì có khoảng 70% là nam giới ngủ ngáy, khoảng 20% đàn ông dưới 30 tuổi có ngủ ngáy. Mức cường độ của tiếng ngủ ngáy có thể lên tới 80 dbl, tức là bằng tiếng ồn của một chiếc máy hút bụi hoặc là tiếng ồn ào của đám đông.
Những triệu chứng của bệnh ngủ ngáy có thể chia làm 3 cấp độ như sau:
- Cấp độ 1: ngủ ngáy ít, tiếng ngáy không to và khi nằm nghiêng sẽ ngừng không ngáy.
- Cấp độ 2: ngủ ngáy vừa phải, tiếng ngáy to hơn và khi nằm ngủ nghiêng sẽ hết ngáy.
- Cấp độ 3: tiếng ngáy rất to ở mọi tư thế nằm ngủ và có kèm triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người ngáy tỉnh giấc và cảm thấy mệt mỏi. Mức độ này có thể gây nguy hiểm tới bệnh nhân.
Nguyên nhân gây ra bệnh ngủ ngáy
Tình trạng ngủ ngáy xảy ra khi dòng khí được hít thở qua mũi và miệng bị ngăn cản hoặc tắc nghẽn do nhiều yếu tố gây nên, như là:
- Đường hô hấp mũi có tình trạng tắc nghẽn do bệnh nhân bị bệnh viêm xoang hoặc dị ứng. Có những người chỉ ngáy ngủ khi bị nhiễm trùng xoang hay dị ứng mũi. Ngủ ngáy cũng có thể xảy ra nếu mũi bị polyp, vách ngăn ở mũi bị lệch gây ra trường hợp tắc nghẽn đường thở.
- Có mô họng quá lớn. Nguyên nhân này xảy ra chủ yếu ở đối tượng bị béo phì khiến mô mỡ tích tụ ở vùng hầu họng làm mô họng to bất thường. Từ đó làm cho vùng khoảng không giữa thanh quản và hầu họng trở nên hẹp lại gây ra tiếng ngáy khi ngủ. Những trẻ em có vòm họng lớn và đang bị nhiễm viêm amidan cũng có thể bị hiện tượng ngáy khi ngủ.
- Trương lực cơ lưỡi và cổ họng giảm. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì sự lão hóa vùng cơ, tác dụng phụ của thuốc ngủ hoặc do say rượu bia. Sự giãn nở quá mức sẽ gây ra việc lỏng lẻo các mô liên kết nâng đỡ vùng lưỡi họng và lưỡi, nó sẽ không được giữ ở vị trí ban đầu. Khi ấy lưỡi sẽ bị tụt lại phía sau, làm lấp mất đường hô hấp.
- Lưỡi gà là một tổ chức mô treo nằm phía sau miệng, nếu quá dài sẽ khiến khoảng trống từ họng đến mũi bị thu hẹp lại. Khi rung lên nó sẽ va chạm vào nhau khiến đường thở bị hẹp bớt và gây ra tiếng ngáy khi ngủ.
- Do các dị tật bẩm sinh như: cuống lưỡi to, cổ họng hẹp, cuống họng dài,…
- Tình trạng mất ngủ cũng có thể dẫn tới tình trạng giãn cổ họng, cũng là nguyên nhân gây ra việc ngủ ngáy.
- Uống rượu bia nhiều. Chất cồn có khả năng làm rối loạn và gây ức chế hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, khiến các cơ vùng cổ bị giãn. Lúc này đường hô hấp có xu hướng đóng lại và là nguyên nhân làm tăng tình trạng ngáy khi ngủ.
- Hút thuốc lá nhiều, gây ra viêm họng. Việc này khiến các mô dễ bị rung khi đang thở và đóng đường hô hấp vào ban đêm lúc ngủ.
- Do các tư thế nằm ngủ. Những người có thói quen gối đầu quá cao hoặc nằm ngửa cổ khi ngủ rất dễ phát ra tiếng ngáy khi ngủ vì các tư thế này sẽ làm hẹp đường thở của bạn.
Những cách giúp giảm bệnh ngủ ngáy
Bệnh ngủ ngáy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Những cách giúp giảm bệnh ngủ ngáy và chữa bệnh này có hiệu quả nhất là tìm được đúng nguyên nhân. Từ đó sẽ đề ra cách khắc phục nguyên nhân và kết hợp với việc thay đổi thói quen sinh hoạt.
Điều trị ngủ ngáy không cần dùng thuốc
Với những người có bệnh ngủ ngáy không quá nặng, chỉ do thói quen thì có thể áp dụng một số cách thức như là:
- Thay đổi tư thế nằm ngủ, thay vì nằm thẳng ngửa cổ thì người bệnh có thể tập nằm nghiêng
- Sử dụng gối cao giúp khai thông đường thở, ngủ ở vị trí cao đầu.
- Không hút thuốc lá vì thuốc lá sẽ gây nên kích thích đường hô hấp.
- Tập luyện thói quen ngủ nghỉ có điều độ vì thiếu ngủ sẽ làm tinh thần mệt mỏi dẫn đến có thể ngủ ngáy
- Tăng độ ẩm trong phòng ngủ sẽ giúp cổ họng đỡ bị khô và hạn chế được tình trạng ngủ ngáy.
- Không sử dụng các loại thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào làm giảm trương lực cơ vùng họng.
- Thường xuyên uống nhiều nước
- Không ăn quá nhiều vào bữa tối và hạn chế các món ăn chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ
- Sử dụng thuốc xịt mũi nếu như đang bị bệnh viêm mũi gây tiết dịch cản trở đường hô hấp.
- Tình trạng ngáy khi ngủ xảy ra khi đường hô hấp bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Do đó, người bệnh có thể dùng miếng dán cánh mũi để giúp thở bằng đường mũi dễ dàng hơn.
- Tập thể dục thường xuyên để giảm cân và tăng lượng khí oxy cung cấp cho não.
- Tắm trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn thông mũi và dễ thở hơn, nhờ đó cũng phần nào hạn chế được tiếng ngáy suốt đêm. Nhưng lưu ý nhớ không được tắm vào đêm khuya.
Điều trị ngủ ngáy trong những trường hợp bị nặng
Nếu tình trạng ngủ ngáy có đi kèm với hiện tượng ngưng thở khi ngủ thì bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương án điều trị dưới đây dựa theo tình trạng của người bệnh
- Chỉ định thở máy hoặc thở oxy áp lực dương liên tục khi ngủ. Tuy là phương pháp này đem lại hiệu quả cao nhưng lại khá bất tiện khi người bệnh di chuyển trên ô tô hoặc không ở nhà.
- Sử dụng một loại thiết bị gắn trong miệng, được gọi là khuôn răng. Thiết bị này có tác dụng nâng cao vị trí của vòm miệng, lưỡi và hàm để luồng không khí có thể đi qua dễ dàng.
- Tùy theo tình trạng của người bệnh mà có thể phải phẫu thuật mở rộng đường họng, cắt amidan, chích cuống họng, cắt ngắn những đoạn mô thừa ở cổ họng để đường hô hấp được thông khí hơn. Nhược điểm của phương pháp này là bệnh nhân phải chịu đau đớn sau mổ và vết thương sẽ lâu lành.
- Sử dụng tần số sóng để cắt bỏ mô thừa trong vòm miệng cũng là cách giúp giảm ngáy khi ngủ. Phương pháp này cũng ít gây đau hơn so với phương pháp mổ thông thường. Ngoài ra mổ laser cũng có tác dụng hiệu quả nhưng phải tiến hành điều trị nhiều lần.
Trên đây là một số cách giúp giảm bệnh ngủ ngáy mà bạn có thể áp dụng thử. Điều trị ngủ ngáy không những giúp chúng ta có được ngủ ngon giấc hơn, tránh được các bệnh lý nguy hiểm mà còn giảm thiểu được tiếng ồn ảnh hưởng tới người xung quanh.