Hệ miễn dịch suy yếu: Thủ phạm là stress oxy hóa?
Hệ miễn dịch suy yếu làm cho cơ thể ít có khả năng chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng dẫn đến dễ bị tổn thương. Để cải thiện hệ miễn dịch, bạn nên bổ sung chất chống oxy hóa qua chế độ ăn uống vì stress oxy hóa được cho là góp phần gây suy yếu các tế bào miễn dịch.
Hệ miễn dịch là hệ thống phòng ngự đầu tiên của cơ thể để chống lại các tác nhân có hại xâm nhập như vi khuẩn, mầm bệnh,… Hệ thống này giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh, thúc đẩy quá trình chữa lành khi có tổn thương. Do đó, nếu hệ miễn dịch kém đi, bị suy yếu thì sẽ tạo cơ hội cho nhiều vấn đề sức khỏe xảy ra. Lý do khiến hệ miễn dịch suy yếu có thể liên quan đến một tình trạng mất cân bằng trong cơ thể mang tên stress oxy hóa.
Mục lục
Các thành phần cấu tạo nên hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch bao phủ, hiện diện toàn bộ cơ thể, tập hợp nhiều thành phần khác nhau để bảo vệ sức khỏe, bao gồm:
- Da
- Màng nhầy
- Hạch bạch huyết
- Lách, amidan, hạch VA
- Tuyến ức
- Tủy xương
- Bạch cầu
- Kháng thể
- Cytokine (các protein có vai trò truyền tín hiệu hóa học cho các tế bào miễn dịch)
Các thành phần này phối hợp hoạt động với nhau để giữ cơ thể khỏe mạnh. Hệ miễn dịch giúp:
- Tấn công và loại bỏ các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể
- Hạn chế mức độ gây tổn hại của các tác nhân ngoại xâm nếu chúng đã đi vào cơ thể
- Chữa lành các tổn thương
- Thích nghi với điều kiện mới và các yếu tố đe dọa.
Hệ miễn dịch có thể bị suy yếu do nhiều yếu tố tác động như hút thuốc, rượu bia, thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn, thiếu ngủ, căng thẳng. Hầu hết những tác nhân này đều liên quan đến lối sống gây ảnh hưởng đến chức năng phòng vệ của hệ miễn dịch, tác động đến sức khỏe nói chung và khả năng chống lại các mầm bệnh nói riêng.
5 Biểu hiện của hệ miễn dịch suy yếu
Khi hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể thường biểu hiện bằng các dấu hiệu và triệu chứng sau nhằm cảnh báo chúng ta cần có biện pháp tăng cường sức đề kháng.
1. Dễ bị nhiễm trùng, thời gian nhiễm trùng kéo dài
Bình thường, một người trưởng thành có thể bị cảm lạnh khoảng 2 – 3 lần mỗi năm và có khả năng tự hồi phục sau khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục bị cảm lạnh hoặc rất lâu không hết bệnh thì là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang rất khó khăn trong việc chống lại tác nhân gây bệnh.
Các trường hợp nhiễm trùng khác cũng tương tự. Tần suất mắc phải các vấn đề liên quan đến nhiễm trùng được cho là dấu hiệu cảnh báo hệ miễn dịch đang suy yếu ở người trưởng thành là:
- Bị nhiễm trùng tai nhiều hơn 4 lần trong một năm.
- Mắc viêm phổi 2 lần trong năm.
- Bị viêm xoang mạn tính hoặc có hơn 3 đợt viêm xoang do nhiễm khuẩn trong một năm.
- Cần dùng nhiều hơn 2 đợt thuốc kháng sinh trong một năm.
2. Có nhiều vấn đề về dạ dày, tiêu hóa
Thường xuyên bị tiêu chảy, đầy hơi hoặc táo bón cũng là những biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch đang suy yếu. Nghiên cứu khoa học đã nhận thấy gần 70% hệ miễn dịch hiện diện ở đường tiêu hóa. Hệ vi sinh vật trú ngụ ở đường ruột giúp bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng tiêu hóa và hỗ trợ hệ miễn dịch.
Khi số lượng vi khuẩn có lợi ở đường ruột giảm thấp có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus, viêm mạn tính, thậm chí là gây ra các rối loạn tự miễn.
3. Vết thương trên da lâu lành
Quá trình chữa lành những vết thương ngoài da rất cần đến sự hỗ trợ của các tế bào miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch không phản ứng nhanh chóng, các tế bào da mới khó được tái tạo. Khi đó, vết thương sẽ lâu lành.
4. Luôn cảm thấy mệt mỏi
Nếu bạn làm việc liên tục không ngơi nghỉ chắc chắn sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Thế nhưng, khi bạn vẫn ngủ đủ giấc mà vẫn có cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng thì đó có thể là tín hiệu từ hệ miễn dịch có vấn đề.
Khi hệ miễn dịch gặp nhiều khó khăn để hoạt động đúng cách thì mức năng lượng cũng bị ảnh hưởng theo. Bởi vì cơ thể đang cố gắng tiết kiệm năng lượng để dành sử dụng cho hệ miễn dịch có thể chống lại các tác nhân nhiễm trùng.
5. Mức độ căng thẳng tăng cao
Bạn có để ý chúng ta thường dễ bị bệnh sau khi tập trung chạy một dự án lớn trong công việc hoặc sau một một khoảng thời gian đầy cảm xúc căng thẳng, lo âu. Điều này không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Theo báo cáo của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ thì căng thẳng kéo dài làm suy yếu các phản ứng của hệ miễn dịch. Tình trạng căng thẳng (stress) làm giảm số lượng tế bào lympho – một nhóm tế bào bạch cầu giúp chống lại nhiễm trùng. Khi mức tế bào lympho giảm càng thấp, bạn càng có nhiều nguy cơ nhiễm phải các loại virus gây bệnh thông thường như cảm lạnh.
Mối liên hệ giữa stress oxy hóa và hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch cũng rất nhạy cảm với stress oxy hóa xảy ra bên trong cơ thể. Các tế bào cấu thành nên hệ miễn dịch thực hiện việc truyền toàn bộ thông tin nhờ giao tiếp giữa tế bào – tế bào thông qua các thụ thể liên kết màng. Trong khi đó, phần lớn màng tế bào là phospholipid nên nếu bị peroxy hóa sẽ làm mất đi tính toàn vẹn, thay đổi tính lưu động của màng tế bào và khiến cả chức năng tế bào lẫn tín hiệu nội bào bị suy yếu nghiêm trọng. Quá trình peroxy hóa lipid là một hậu quả chính của stress oxy hóa.
Trong khi đó, rất nhiều chức năng bảo vệ của tế bào miễn dịch phụ thuộc vào tính lưu động của màng tế bào. Vì thế, stress oxy hóa thực sự gây ra tác động xấu đến các phản ứng miễn dịch, thúc đẩy các hoạt động có hại làm tổn thương tế bào và cơ thể. Vai trò của chất chống oxy hóa trong trung hòa gốc tự do dư thừa khi stress oxy hóa là đặc biệt quan trọng đối với chức năng của hệ miễn dịch.
Bổ sung các chất chống oxy hóa tự nhiên qua đồ ăn, thức uống góp phần tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch. Các chất chống oxy hóa giúp chống lại tác hại của gốc tự do, duy trì sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch. Các hợp chất chống oxy hóa tự nhiên từ thực phẩm rất đa dạng, bao gồm các vitamin như A, C, E, khoáng chất (kẽm, selen…) và các hợp chất polyphenol từ thực vật. Một thức uống quen thuộc được sử dụng từ xưa đến nay để đào thải độc tố, cải thiện khả năng miễn dịch chống lại bệnh tật chính là trà. Hàm lượng polyphenol cao trong trà giúp điều hòa hoạt động hệ miễn dịch.
Để tăng thêm khả năng chống oxy hóa, bạn có thể sử dụng trà thảo dược kết hợp vừa trà vừa cây thuốc để bổ sung đa dạng các hợp chất polyphenol. Hãy tham khảo dược trà Saturex với nguyên liệu 100% từ thiên nhiên gồm trà đen Ba Tư và thảo dược Satureja khuzestanica đặc hữu ở Iran. Saturex giúp trung hòa các gốc tự do, tăng cường khả năng chống stress oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và tăng cường hệ miễn dịch.
Nguồn tham khảo
- Immune System https://my.clevelandclinic.org/health/body/21196-immune-system Ngày truy cập 19/9/2024
- 6 Signs You Have a Weakened Immune System https://www.pennmedicine.org/updates/blogs/health-and-wellness/2020/march/weakened-immune-system Ngày truy cập 19/9/2024
- 5 things that can weaken your immune system https://health.ucdavis.edu/blog/cultivating-health/5-things-that-can-weaken-your-immune-system/2022/11 Ngày truy cập 19/9/2024
- Dietary antioxidants: immunity and host defense https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21506934/ Ngày truy cập 19/9/2024
- The role of antioxidant supplement in immune system, neoplastic, and neurodegenerative disorders: a point of view for an assessment of the risk/benefit profile https://nutritionj.biomedcentral.com/articles/10.1186/1475-2891-7-29 Ngày truy cập 19/9/2024