Hạ đường huyết: triệu chứng, nguyên nhân, chuẩn đoán, điều trị
Hạ đường huyết là vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường, nhưng đôi khi nó cũng ảnh hưởng đến cả những người không mắc bệnh lý này. Bạn nên nhớ rằng, đây là tình trạng cấp cứu, cần được điều trị ngay. Trường hợp nếu không được điều trị, lượng đường trong máu thấp nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Hãy cập nhật thêm các thông tin về định nghĩa đường huyết, nguyên nhân gây ra cũng như các triệu chứng thường gặp để biết cách chăm sóc và bảo vệ bản thân.
Mục lục
Hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết chính là lượng đường trong máu thấp, xảy ra khi lượng đường (glucose) trong máu giảm xuống dưới mức có lợi cho sức khỏe của bạn. Hạ đường huyết thường gặp phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường, nhất là bệnh tiểu đường tuýp 1.
Đối với hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường, hạ đường huyết được xác định khi lượng đường trong máu của bạn dưới 70 miligam mỗi deciliter (mg/dL) hoặc 3,9 milimol mỗi lít (mmol/L). Đối với hầu hết những người không mắc bệnh tiểu đường, hạ đường huyết được xác định là khi lượng đường trong máu của bạn dưới 55 mg/dL hoặc 3,1 mmol/L.
Cũng giống như mỡ máu, đường huyết chỉ thực sự nguy hiểm khi lượng đường trong huyết hạ thấp hơn mức bình thường. Theo đó, đường huyết chính là Glucose (đường) trong máu, nó chủ yếu đến từ carbohydrate trong thực phẩm và đồ uống chúng ta tiêu thụ. Đó là nguồn năng lượng chính trong mỗi cơ thể người. Máu mang glucose đến tất cả các tế bào của cơ thể để sử dụng làm năng lượng và nó đặc biệt quan trọng đối với não.
Một số triệu chứng của hạ đường huyết
Khi lượng đường trong máu giảm xuống còn 70 miligam mỗi deciliter (mg/dL) hoặc thấp hơn, người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng của hạ đường huyết xuất hiện. Tùy thuộc vào mức độ hạ đường của mỗi người mà các triệu chứng có thể khác nhau, có thể bao gồm:
- Đói cồn cào
- Run rẩy
- Lo lắng, hồi hộp
- Đổ mồ hôi
- Da nhợt nhạt
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Buồn ngủ
- Chóng mắt
- Cáu kỉnh
Khi tình trạng hạ đường huyết trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể đi đến các triệu chứng như lú lẩn, mờ mắt, bất tỉnh, mất ý thức và co giật. Các triệu chứng hạ đường huyết có thể xảy ra cả khi người bệnh đang ngủ, điều này có thể nguy hiểm vì không thể nhận ra các biểu hiện.
Nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết
+ Thuốc trị tiểu đường: Việc điều trị tiểu đường bằng insulin có thể khiến lượng đường trong máu thấp và một loại thuốc điều trị tiểu đường có tên là sulfonylurea cũng có thể gây ra tình trạng này. Ngoài ra, các sulfonylurea thế hệ cũ như Clorpropamid (Diabinese), Repaglinid (Prandin), Tolazamide (Tolinase), Tolbutamid (Orinase) cũng có xu hướng gây hạ đường huyết nhưng ít phổ biến hơn.
Bên cạnh đó, ai đó cũng có thể bị hạ đường huyết nếu như uống rượu hoặc dùng allopurinol (Zyloprim), probenecid (Probalan), hay warfarin (Coumadin) cùng với thuốc điều trị tiểu đường. Bạn sẽ không bị hạ đường huyết nếu chỉ dùng thuốc ức chế alpha – glucosidase, biguanide (chẳng hạn như metformin) và thiazolidinediones, nhưng tình trạng đó sẽ xảy ra nếu bạn dùng chúng cùng với sulfonylurea hoặc insulin.
+ Chế độ ăn uống: Một người rất dễ bị hạ đường huyết nếu như dùng quá nhiều insulin so với lượng carbohydrate mà họ nạp vào bằng đường ăn hoặc uống. Điều này thường xảy ra khi ăn một bữa ăn có nhiều đường đơn, bỏ lỡ một bữa ăn nhẹ hoặc không ăn một bữa ăn đầy đủ. Việc ăn muộn hơn bình thường hoặc uống rượu mà không ăn bất kỳ thực phẩm nào cũng gây ra hạ đường huyết. Vì vậy, đừng bỏ bữa nếu như đang mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là đang dùng thuốc trị tiểu đường.
Làm thế nào để chẩn đoán hạ đường huyết?
Để chẩn đoán hạ đường huyết không do đái tháo đường, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và hỏi thăm về một số loại thuốc bạn đang dùng. Khi đó, người bệnh cần khai báo bất kỳ tiền sử bệnh tật hoặc phẫu thuật dạ dày nào để bác sĩ nắm rõ mọi thứ về sức khỏe.
Các bác sĩ sẽ kiểm tra mức đường huyết của bạn, đặc biệt là khi các triệu chứng xuất hiện. Họ cũng sẽ kiểm tra xem bạn có cảm thấy tốt hơn khi lượng đường trong cơ thể trở lại mức bình thường. Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ hạ đường huyết, họ sẽ bắt bạn phải nhịn ăn cho đến khi xuất hiện các triệu chứng. Sau đó, sẽ tiến hành kiểm tra mức đường huyết trong những thời điểm khác nhau trong suốt thời gian nhịn ăn.
Để kiểm tra tình trạng hạ đường huyết phản ứng, bạn có thể phải thực hiện một xét nghiệm gọi là xét nghiệm dung nạp bữa ăn hỗn hợp (MMTT). Để thực hiện điều này, bạn hãy uống một loại đồ uống đặc biệt có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu. Khi đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trong vài giờ sau đó.
Cách điều trị hạ đường huyết
Trường hợp bị tiểu đường: Hãy kiểm tra lượng đường trong máu của bạn, nếu nó ở mức dưới 70, hãy ăn hoặc uống 15-20 gram carbohydrate. Bạn có thể uống nước trái cây, kẹo cứng hoặc viên glucose. Điều này sẽ giúp cho các triệu chứng hạ đường huyết biến mất. Sau đó, hãy kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 phút và tiếp tục 15 phút một lần nếu như mức độ vẫn còn thấp.
Trường hợp không mắc tiểu đường: Để có giải pháp lâu dài, cách điều trị tình trạng hạ đường huyết sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu như lượng đường trong máu thấp xuất phát từ một loại thuốc bạn đang uống, hãy thay đổi nó. Nếu nguyên nhân là do khối u, có thể cần phải phẫu thuật.
Để khắc phục nhanh chóng, bạn có thể ăn hoặc uống 15 gram carbohydrate, dưới dạng nước, viên glucose hoặc kẹo cứng. Trong trường hợp hạ đường huyết nặng, có thể nghĩ đến việc tiêm glucagon hoặc truyền glucose vào tĩnh mạch. FDA đã phê duyệt ba loại thuốc trong điều trị đường trong máu thấp đó là Baqsimi (dạng bột mũi), Dasiglucagon (Zegalogue) bằng cách tiêm và Gvoke thực hiện qua đường tiêm.
Cách phòng tránh hạ đường huyết
Nếu mắc bệnh tiểu đường, người bệnh có thể thực hiện một số thay đổi để giúp giữ lượng đường trong máu luôn ổn định. Dưới đây là một số cách đơn giản nhưng hiệu quả, ai cũng có thể thực hiện.
- Ăn ít nhất ba bữa ăn cách đều nhau mỗi ngày, xen kẽ vào đó là các bữa ăn nhẹ như chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tập thể dục sau bữa ăn 30 phút đến 1 giờ. Kiểm tra lượng đường trong cơ thể trước và sau khi tập thể dục, đồng thời thảo luận với bác sĩ về những thay đổi mà bạn có thể thực hiện.
- Kiểm tra kỹ insulin và liều thuốc điều trị tiểu đường trước khi dùng.
- Nếu uống rượu, hãy uống một cách điều độ và không quên theo dõi lượng đường trong máu.
- Kiểm tra lượng đường trong máu theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Mang theo một chiếc vòng tay nhận dạng cho biết bạn đang mắc tiểu đường
Nếu bạn không mắc tiểu đường, hãy nhờ bác sĩ tư vấn xem có cần điều chỉnh chế độ ăn uống hay cường độ luyện tập hay không. Thông thường, một số các thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống giúp ích rất nhiều cho người bị đường huyết thấp. Cụ thể như sau:
- Ăn nhiều bữa nhỏ và ăn các món ăn nhẹ vài giờ một lần
- Ăn nhiều loại thực phẩm, bao gồm thực phẩm giàu protein, chất béo và chất xơ
- Không ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường
Một số lưu ý cho người bị hạ đường huyết
Hạ đường huyết có thể khiến một người bị bất tỉnh. Lúc này, họ cần được tiêm glucagon, đó là một loại thuốc ke đơn có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, với những người bị hạ đường huyết nghiêm trọng, cần thủ sẵn loại thuốc này trong người. Điều quan trọng là người thân của họ biết cách tiêm phòng trong trường hợp họ bị hạ đường huyết làm cho bất tỉnh.
Trong trường hợp thấy ai đó bị hạ đường huyết phản ứng nghiêm trọng, hãy gọi ngay 115 hoặc là đưa họ đến bệnh viện gần nhất để điều trị. Tuyệt đối không đưa bất kỳ thức ăn, chất lỏng hoặc insulin cho người bị bất tỉnh vì nó có thể khiến họ bị nghẹn, càng nguy hiểm hơn.
Đừng lái xe khi lượng đường trong máu của bạn thường xuyên giảm đột ngột, điều đó rất nguy hiểm. Nếu như bạn đang lái xe và có những triệu chứng của hạ đường huyết, hãy cho xe vào lề, sau đó kiểm tra lượng đường trong máu và ăn đồ ăn chứa đường. Đợi ít nhất 15 phút, kiểm tra lại lượng đường. Các loại thực phẩm nên chứa protein và carbohydrate, chẳng hạn như bánh quy bơ đậu phộng, pho mát hoặc bánh quy giòn. Lưu ý, hãy luôn để sẵn một số đồ ngọt như viên glucose, kẹo cứng trong xe của bạn.
Hạ đường huyết là một tình trạng cần cấp cứu kịp thời. Việc hiểu rõ các triệu chứng của chúng là cách để người bệnh phát hiện và điều trị nhanh chóng, cùng với đó là ngăn chặn hạ đường huyết xảy ra nhằm giúp bản thân thoát khỏi những biến chứng nguy hiểm như hôn mê, co giật và cả tử vong. Điều quan trọng là những người bị hạ đường huyết hoặc có nguy cơ bị hạ đường huyết, nên thực hiện kiểm tra hạ đường huyết định kỳ và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh nguy hiểm cho bản thân.