Đau dạ dày do vi khuẩn H.pylori: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
Đau dạ dày do H.pylori là một bệnh lý rối loạn tiêu hóa, xuất hiện ở hơn 50% người trên toàn thế giới, thế nhưng chỉ khoảng 20% trong số những người nhiễm bệnh nhận ra các triệu chứng. Loại vi khuẩn này có thể gây ra loét dạ dày tá tràng và viêm dạ dày, là nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện như đau bụng âm ỉ, nóng rát, sụt cân ngoài ý muốn và nôn ra máu. Vì vậy, việc tìm hiểu về H.pylori với các thông tin về dấu hiệu, nguyên do và cách điều trị nó là một điều cực kỳ quan trọng, nên thực hiện càng sớm càng tốt.
Mục lục
Đau dạ dày do vi khuẩn H.pylori là gì?
H.pylori, có tên đầy đủ là Helicobacter pylori, viết tắt là vi khuẩn HP, được biết đến là một loại vi khuẩn phổ biến xuất hiện trên niêm mạc dạ dày. H.pylori chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về dạ dày như viêm dạ dày, tá tràng, loét dạ dày, ung thư biểu mô tuyến dạ dày,vv…
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori cực kỳ phổ biến, nó có thể xuất hiện ở hơn một nửa số người trên thế giới và thường xảy ra khi còn nhỏ. Ở Mỹ, có khoảng 30-40% người dân bị nhiễm H.pylori. Vi khuẩn dạ dày này thường không gây ra triệu chứng, hầu hết người mắc phải đều khó thể nhận biết, tuy nhiên nó có thể phá vỡ lớp phủ bảo vệ bên trong dạ dày của một số người và gây viêm.
Có thể nói, bệnh đau dạ dày H.pylori là bệnh lý không quá nguy hiểm, tuy nhiên lại rất phổ biến, dễ lây lan, có thể phát sinh biến chứng và dễ tái phát. Nó có thể lây lan qua đường thức ăn và nước uống không sạch, hoặc qua tiếp xúc với nước bọt hoặc các chất dịch cơ thể khác của người nhiễm bệnh. Hiện tại, vẫn chưa có vắc xin để phòng ngừa vi khuẩn H.pylori.
Các triệu chứng của đau dạ dày do H.Pylori
Hầu hết những người nhiễm H.pylori đều không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Một số người có thể khi sinh ra đã có khả năng đề kháng tốt hơn trước tác hại của loại vi khuẩn dạ dày này. H.pylori có thể gây ra kích ứng dạ dày (viêm dạ dày), loét dạ dày và tá tràng (ruột non). Nó cũng có thể gây ra ung thư dạ dày, tuy điều này rất hiếm.
Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng xảy ra khi nhiễm H.pylori, chúng thường liên quan đến viêm dạ dày hoặc loét dạ dày, có thể bao gồm:
- Đau hoặc rát ở dạ dày, bên dưới lồng ngực và ở giữa
- Đau dạ dày có thể năng hơn khi dạ dày trống rỗng
- Buồn nôn
- Ăn mất ngon
- Ợ hơi thường xuyên
- Đầy hơi
Nếu bắt gặp các triệu chứng khác, nó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như loét chảy máu hoặc ung thư dạ dày, bao gồm:
- Giảm cân không chủ ý
- Cơn đau bụng dữ dội hoặc liên tục
- Nôn ra máu hoặc nôn ra chất trông giống như bã cà phê
- Đi phân máu đen, dính, giống như hắc ín (melaena)
- Các triệu chứng của thiếu máu, như cảm thấy khó thở, trông xanh xao hoặc rất mệt mỏi
Nguyên nhân gây đau dạ dày kèm H.pylori
Đau dạ dày do H.pylori xảy ra khi vi khuẩn H.pylori lây nhiễm vào dạ dày của một người. Nó được cho là được truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nôn mửa hoặc phân. H.pylori cũng có thể lây lan qua đường thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Hiện nay, vẫn chưa biết chính xác cách vi khuẩn H.pylori gây viêm dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng ở một số người.
Theo các nguồn tin đáng tin cậy, mọi người thường bị nhiễm H.pylori khi còn nhỏ. Khi đó, một số các yếu tố nguy cơ gây nhiễm H.pylori thường có liên quan đến điều kiện sống lúc nhỏ, chẳng hạn như:
Sống trong điều kiện đông đúc: Việc sống trong nhà có nhiều người khác có thể làm tăng nguy cơ bị dạ dày do H.pylori. Người bệnh có thể bị lây nhiễm từ cha mẹ hoặc anh chị em của họ.
Không có nguồn nước sạch đảm bảo: Có một nguồn cung cấp nước sạch đáng tin cậy sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm H.pylori.
Sống ở một đất nước đang phát triển: Người dân sống ở các nước đang phát triển dễ bị nhiễm H.pylori cao hơn các nước phát triển. Điều này thường đến từ điều kiện sống đông đúc hoặc mất vệ sinh ở các nước đang phát triển phổ biến hơn các nước thuộc nhóm khác.
Sống chung với người bị nhiễm H.pylori: Nếu như bạn sống chung với người bị nhiễm H.pylori hoặc tiếp xúc thường xuyên với những người mang vi khuẩn này, khả năng bị nhiễm cũng rất cao.
Cách điều trị đau dạ dày Helicobacter pylori
Liệu pháp diệt trừ chính là sự kết hợp giữa thuốc kháng sinh và thuốc ức chế axit, gọi là liệu pháp bộ ba. Trong khi thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn H.Pylori thì thuốc ức chế axit có tác dụng giảm axit dạ dày, từ đó giúp cho các vết loét lành lại.
Đối với thuốc kháng sinh: Bác sĩ sẽ kê hai toa thuốc kháng sinh để giữ cho vi khuẩn không hình thành sức đề kháng với một loại thuốc cụ thể. Amoxicillin, clarithromycin (Biaxin), metronidazole (Flagyl), tetracycline (Sumycin) hoặc tinidazole (Tindamax) là những loại thuốc có thể được lựa chọn và kết hợp.
Đối với thuốc ức chế bơm proton (PPI): Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm axit trong dạ dày bằng cách ngăn chặn các “máy bơm” hoặc tuyến nhỏ tạo ra axit. Chúng bao gồm (Nexium), lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Prilosec), pantoprazole (Protonix) và rabeprazole (Aciphex).
Bismuth subsalicylate: Thuốc này thường được sử dụng như một loại thuốc trị tiêu chảy không kê đơn, thường được khuyên dùng cùng với thuốc kháng sinh để bảo vệ dạ dày.
Thuốc chẹn histamine (H-2): Những hoạt chất này giúp ngăn chặn histamine hóa học, khiến da dày của bạn tạo ra nhiều axit hơn. Chúng bao gồm cimetidine (Tagamet) và nizatidine (Axid AR). Loại thuốc chẹn H2 này chỉ được sử dụng khi người bệnh không thể dùng PPI.
* Liệu pháp bộ ba điều trị H.pylori:
Hiện nay, đối với phương pháp điều trị đau dạ dày do H.pylori bằng Liệu pháp ba thuốc này, chúng có hai loại phổ biến, đó là:
+ Liệu pháp ba thuốc dựa trên Rifabutin, bao gồm hai loại kháng sinh (amoxicillin và rifabutin) và một PPI (omeprazole) được chỉ định sử dụng cùng nhau 8 giờ một lần trong 14 ngày. Liệu pháp ba thuốc này có sẵn dưới dạng viên thuốc, đã được FDA phê duyệt vào năm 2019 với cái tên là Talicia.
+ Liệu pháp ba thuốc Clarithromycin cũng bao gồm hai loại kháng sinh (clarithromycin và amoxicillin hoặc metronidazole) cộng với PPI. Đây thường là một sự lựa chọn trong trường hợp chủng H.pylori có sức đề kháng thấp với Clarithromycin.
Hầu hết các vết loét và đau dạ dày do H.pylori gây ra thường sẽ lành sau vài tuần. Lưu ý, người bệnh không dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen và naproxen để giảm đau vì chúng có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày. Sau khoảng thời gian 4 tuần điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lại H.pylori. Trong trường hợp dạ dày vẫn còn dấu hiệu của nhiễm trùng, người bệnh có thể sẽ cần dùng thêm một đợt kháng sinh khác.
Cách phòng ngừa bệnh đau dạ dày do vi khuẩn H.pylori
Khi nói đến ô nhiễm môi trường, nguyên do có thể là ở thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Vi khuẩn H.pylori đã được tìm thấy trong nước bọt của con người, vì thế các chuyên gia cho rằng, nó có thể lây từ người sang người. Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin hay cách cụ thể nào để ngăn ngừa nhiễm H.pylori. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn vi khuẩn này bằng một số các thói quen, cụ thể:
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Ăn thực phẩm đã được xử lý và chuẩn bị an toàn
- Chỉ uống nước sạch, an toàn.
- Tránh những loại thức ăn được phục vụ bởi những người chưa rửa tay
Ngoài ra, chế độ ăn kiêng H.pylori cũng rất hữu ích để ngăn ngừa vi khuẩn H.pylori xâm nhập vào dạ dày. Mặc dù các yếu tố chính dẫn đến đau dạ dày kèm Hpylori thường ở khâu vệ sinh kém, tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy rằng, chế độ ăn cũng góp một vai trò nào đó.
Theo đó, những người có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt có nguy cơ nhiễm H.pylori thấp hơn. Đồng thời, những người thường xuyên ăn nhiều carbohydrate, ngũ cốc, thịt chế biến sẵn, đường và muối có nhiều khả năng nhiễm H.pylori hơn.
Nếu bạn nghi ngờ bất cứ những triệu chứng nào mình đang mắc phải là của bệnh loét dạ dày tá tràng như đầy hơi, buồn nôn, đau bụng và chán ăn là do vi khuẩn H.pylori gây ra, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác nhất. Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn H Pylori để đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất. Việc điều trị sớm sẽ phần nào giúp ngăn ngừa tổn thương dạ dày cũng như các vấn đề khác như loét, viêm dạ dày và ung thư dạ dày.