Đại tràng mãn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị
Chiếm khoảng 20% dân số, viêm đại tràng mãn tính là một bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam và đang có xu hướng tăng lên qua các năm. Căn bệnh này không chỉ khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém mà còn có nguy cơ dẫn đến ung thư đại nếu không điều trị dứt điểm, để bệnh kéo dài nhiều năm. Một số thông tin đây sẽ giúp nhiều người hiểu rõ hơn về độ nguy hiểm của bệnh đại tràng mãn tính và cách điều trị nó hiệu quả nhất.
Mục lục
Viêm đại tràng mãn tính là gì?
Viêm đại tràng mãn tính là tình trạng viêm đại tràng kéo dài dẫn đến mãn tính, nghĩa là sự viêm nhiễm đã chuyển sang mức độ nặng. Nó có thể gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng. Trong đó, đại tràng còn có tên gọi khác là ruột già, nằm ở vị trí cuối cùng của hệ tiêu hóa, là nơi chứa các chất cặn bã từ thức ăn vì thế rất dễ bị tấn công.
Bệnh viêm đại tràng được gọi là mãn tính khi nó tồn tại và kéo dài trên ba tháng, với các biểu hiện lặp đi lại lại không thuyên giảm. Ở mỗi người, bệnh gây ra những tổn thương ở mức độ khác nhau. Nếu nhẹ, chỉ là dạng sung huyết, viêm trợt, ngược lại nếu trở nặng, niêm mạc đại tràng có thể xuất hiện các vết lở loét ở đại tràng, đi kèm theo đó là những cơn đau và chảy máu đường ruột ở người bệnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số người mắc viêm đại tràng mãn tính ở nước ta đã tăng lên đến 4 triệu người, một con số đáng báo động và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Một khi để bệnh kéo dài, không điều trị hoặc lơ là, trị không dứt điểm, bệnh có thể khiến bệnh nhân đối mặt với các biến chứng như giãn đại tràng, suy nhược cơ thể, thủng đại tràng, ung thư đại tràng,vv…
Nguyên nhân của viêm đại tràng mãn tính
Nguyên nhân chính của bệnh lý này được cho là do thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học trong cuộc sống thời hiện đại. Ngoài ra, nó còn có thể là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác, cả khách quan lẫn chủ quan, tất cả phối hợp để cùng gây ra các triệu chứng của bệnh. Một số các yếu tố gây ra viêm đại tràng mãn tính được các chuyên gia chỉ ra bao gồm:
- Các vi trùng như tả, lỵ trực tràng, thương hàn vibrio cholerae, vi khuẩn E.coli
- Các ký sinh trùng như lỵ amip, các loại giun, sán
- Siêu vi trùng như cytomegalovirus, Epstein barr
- Nấm candida albicans
- Viêm loạn khuẩn sau kháng sinh đường ruột
- Do các chất hóa học như thuốc nổ TNT, arsenic
- Phóng xạ và các yếu tố vật lý khác
Ngoài ra, những người có tiền sử bị lao, viêm đại tràng chảy máu, viêm đại tràng từng đoạn crohn,vv… cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng mãn tính. Cạnh đó, việc để táo báo kéo dài, ăn uống những thực phẩm gây kích thích, dễ gây tổn thương niêm mạc ruột như đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ cũng khiến cho bệnh trầm trọng thêm.
Các triệu chứng của viêm đại tràng mãn tính
Nếu như viêm đại tràng cấp tính thường gây ra các biểu hiện như các cơn đau đột ngột, đau bụng quặn từ cơn, là cấp độ nhẹ nhất của viêm đại tràng thì viêm đại mãn tính lại diễn ra một cách nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, nó lại là thể nặng hơn, với các biểu hiện kéo dài dai dẳng, tái phát thường xuyên khiến người bệnh luôn cảm thấy phiền phức và mệt mỏi.
Nếu người bệnh bị viêm đại tràng và đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, họ có thể gặp phải một số các triệu chứng thường gặp như sau:
Đau bụng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, đau theo từng cơn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào dọc theo khung đại tràng, chủ yếu tại xảy ra ở nửa khung đại tràng và hai hố chậu. Người bệnh chỉ cảm thấy bớt đau sau khi đi đại tiện.
Rối loạn đại tiện: Đó là một loạt các bất thường liên quan đến việc đi đại tiện của người bệnh. Cụ thể, họ có thể đi ngoài nhiều lần hơn, đi phân lỏng, táo bón hoặc là phân dạng “đầu rắn đuôi nát”. Một số trường hợp, phân chứa cả chất nhầy hoặc máu. Các rối loạn này thường xảy ra khi người bệnh ăn những đồ ăn kích thích như cay nóng, chiên xào.
Chướng bụng: Không chỉ đau bụng, người mắc viêm đại tràng mãn tính thỉnh thoảng còn có cảm giác ách bụng, đầy hơi, căng tức.
Không chỉ vậy, viêm đại tràng mãn tính còn đi kèm với các biểu hiện khác, chẳng hạn như khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không muốn vận động, ăn uống kém, cơ thể suy nhược nhanh chóng, tính tình thay đổi thất thường. Tuy nhiên, chúng có thể không phải là những triệu chứng phổ biến, còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Bệnh viêm đại tràng mãn tính gây ra những biến chứng gì?
Các bác sĩ đầu ngành cho rằng, viêm đại tràng là một bệnh lý khá phổ biến, không gây nguy hiểm và có thể điều trị dứt điểm. Song, các trường hợp bệnh gây ra bởi ký sinh trùng, nấm vốn là đại tràng cấp tính, nếu không được điều trị dứt điểm dễ diễn tính thành mãn tính. Khi đó, bệnh tái đi tái lại nhiều lần, dù có tích cực điều trị vẫn không khỏi hẳn. Ngược lại, bệnh còn dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Xuất huyết đại tràng: Khi người bệnh sử dụng các chất kích thích, hiện tượng xuất huyết sẽ xuất hiện trên niêm mạc của đại tràng, khi nó đã bị loét trong một thời gian rất dài. Lúc này, người bệnh có thể đi ngoài ra máu, chất nhầy lẫn trong phân, thậm chí nếu nặng hơn có thể thấy máu chảy ồ ạt. Biến chứng này được cho là cực kỳ nguy hiểm, bởi nó khiến cơ thể thiếu máu, người bệnh dễ bị xanh xao, mệt mỏi.
Giãn đại tràng: Rối loạn đại tiện, một trong những triệu chứng chính của viêm đại tràng mãn tính. Khi đó, nó khiến cho đại tràng phải co bóp liên tục, gây ra hiện tượng giãn đại tràng.
Thủng đại tràng: Một khi tình trạng viêm nhiễm của đại tràng kéo dài, các vết loét từ đó cũng lan rộng ra và dễ có nguy cơ gây ra thủng đại tràng. Lúc này, người bệnh cần được mổ gấp để không nguy hiểm đến tính mạng.
Ung thư đại tràng: Đây chính là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm đại tràng, là loại ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, chỉ sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Các biến chứng của viêm đại tràng mãn tính, nếu để từ 7 đến 10 năm không điều trị thì các tế bào sẽ chuyển sang ác tính.
Điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính
Vì bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, không thể điều trị dứt điểm và có thể tái phát nhiều lần, vì thế các bác sĩ sẽ kết hợp cả điều trị nội khoa (thuốc), can thiệp ngoại khoa và thói quen sinh hoạt nhằm mang đến kết quả khả thi nhất. Sau khi thăm khám, chẩn đoán, các bác sĩ sẽ xác định về mức độ viêm nhiễm mà có chỉ định phụ hợp cho từng bệnh nhân. Theo đó, một số thuốc thường được sử dụng để chữa viêm đại tràng mãn tính có thể kể đến là:
Kháng sinh: Mục đích của kháng sinh là để chống nhiễm trùng, chẳng hạn như Biseptol, Berberin, Ercefuryl,vv… Chúng có thể giúp ngăn ngừa viêm nhiễm lây lan cũng như kiểm soát rối loạn đại tiện.
Thuốc chống ký sinh trùng và nấm: Những ký sinh trùng và nấm chính là nguyên nhân chính gây ra viêm nhiễm đại tràng. Vì vậy, việc sử dụng những loại thuốc này, chẳng hạn như Nystatin, Flagyl, Fugacar, Klion,… giúp diệt trừ những vi khuẩn gây hại đến đường ruột này.
Thuốc chống miễn dịch: Thường là Corticoid, có tác dụng trị viêm đại tràng mãn tính ở giai đoạn đầu. Đôi khi, các bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp nó với Mercaptopurine và Azathioprine để tăng hiệu quả điều trị.
Thuốc giảm đau và chống co thắt: Một số loại thuốc như Papaverin, Spasmaverine, No-spa sẽ giúp cải thiện một số triệu chứng của viêm đại tràng như tiêu chảy, đau quặn bụng.
Trong trường hợp, người bệnh được điều trị nội khoa không có dấu hiệu phục hồi, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra, phẫu thuật cũng sẽ được thực hiện nếu như có phát hiện thấy ung thư hoặc các tổn thương tiền ung thư sau khi nội soi dạ dày. Đôi khi, những người bệnh gặp phải các biến chứng thủng đại tràng, chảy máu hoặc nhiễm trùng ở mức độ nghiêm trọng, cũng cần đến phẫu thuật.
Ung thư trực tràng là nỗi lo thường trực của bất kỳ ai, nhất là với những ai đang bị viêm đại tràng mãn tính với các biểu hiện như rối loạn tiêu hóa kéo dài, chán ăn, khó tiêu hay mệt mỏi, sút cân. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sớm của viêm đại tràng, người bệnh cần đặc biệt lưu ý về chế độ ăn uống cũng như dùng thuốc đều đặn để tránh chuyển sang mãn tính.