Các bệnh hô hấp thường gặp: nguyên nhân & phòng ngừa
Các bệnh hô hấp thường gặp sẽ xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn thời tiết giao mùa. Đây là những bệnh phổ biến có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng và lứa tuổi nào, kể cả trẻ em và người cao tuổi. Một số bệnh hô hấp thường gặp chỉ gây trở ngại không nhiều nhưng cũng có vài loại bệnh hô hấp có nguy cơ đe doạ tính mạng của người bệnh nếu không chữa trị kịp thời.
Mục lục
Nguyên nhân gây ra bệnh hô hấp
Các bệnh hô hấp hay còn gọi là viêm đường hô hấp là một loại bệnh do bị nhiễm trùng hoặc do virus gây ra. Căn bệnh này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của chúng ta, xảy ra ở nhiều cơ quan chức năng hô hấp như: mũi, xoang, thanh quản, hầu, họng, khí quản, phế quản, các phế nang, tiểu phế quản,… Như ở nước ta thì bệnh hô hấp thường xuất hiện vào lúc giao mùa và đôi khi có thể trở thành dịch ở tại một số khu vực nếu người bệnh quá nhiều. Nguyên nhân gây ra bệnh hô hấp sẽ gồm:
- Sự thay đổi thời tiết
Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh hô hấp. Bởi khi vào thời điểm giao mùa thì nhiệt độ sẽ thay đổi thất thường. Có khi từ trời nóng chuyển sang trời lạnh hoặc từ nắng sang mưa dẫn đến cơ thể chúng ta không kịp thích ứng với sự thay đổi này. Hệ miễn dịch của cơ thể cũng vì vậy mà suy yếu nên các virus gây bệnh dễ dàng xâm nhập hơn. Thời tiết giao mùa cũng là thời điểm thuận lợi để virus gây bệnh hô hấp phát triển và lan truyền trong không khí.
- Do virus và vi khuẩn gây bệnh
Các bệnh viêm hô hấp sẽ có 2 loại là bệnh viêm hô hấp trên và bệnh viêm hô hấp dưới. Những bệnh đường hô hấp trên thường là do virus gây ra, có một vài chủng virus phổ biến như là rhinovirus, adenovirus, virus cúm, virus sởi,… Còn bệnh đường hô hấp dưới thường là do vi khuẩn, một số vi khuẩn gây bệnh hô hấp điển hình như: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Moraxella catarrhalis,… Tuy nhiên vẫn có trường hợp bệnh đường hô hấp do cả virus và vi khuẩn cùng gây ra (gọi là trường hợp bội nhiễm).
- Do không gian kín và kém lưu thông
Khi thời tiết lạnh thì đa số mọi người đều ít di chuyển ra bên ngoài. Những không gian của phòng ngủ, phòng làm việc,… cũng không được thông thoáng do đóng kín cửa để tránh không khí lạnh thổi vào. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tác nhân gây bệnh xâm nhập cũng như lây lan từ người đang bệnh sang những người khác.
- Số giờ nắng ít trong ngày
Ánh nắng mặt trời là tác nhân giúp tiêu diệt và làm chậm sự phát triển của nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Nhưng khi vào mùa lạnh thì số giờ nắng trong ngày sẽ ít hơn hoặc thậm chí có ngày không có nắng xuất hiện. Đó cũng là lý do khiến chúng ta dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp hơn khi thời tiết trở lạnh và mưa nhiều.
Các bệnh hô hấp thường gặp
Tùy vào từng bệnh viêm đường hô hấp và mức độ nặng nhẹ khác nhau mà triệu chứng bệnh cũng sẽ khác nhau. Và có một số triệu chứng thường xuất hiện mà bạn thường gặp như là: ho, đau ngứa cổ họng, mệt mỏi, sốt cao, đau nhức toàn thân,… Các bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp là cúm, viêm xoang, viêm thanh quản,… Còn các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường gặp là viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,…
Bệnh cảm cúm
Một trong các bệnh hô hấp thường gặp nhất chính là bệnh cảm cúm. Căn bệnh này do virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae gây ra. Loại virus này được chia thành 3 loại: type A, type B và type C nhưng tuỳ theo loại mà có thể gây thành dịch bệnh hoặc không. Bởi vì bệnh cúm là căn bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, tốc độ lan nhanh nên có thể gây dịch và đại dịch. Virus cúm vào cơ thể thông qua đường mũi họng
Bệnh cảm cúm sẽ lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm. Tỷ lệ lây lan sẽ càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần gũi với người đang nhiễm bệnh. Đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ thì càng nên cẩn thận hơn. Trong lúc giao mùa, thời tiết lạnh và ẩm thấp thì tế bào đường hô hấp của con người dễ bị tổn thương và làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
Với những người có sức đề kháng bình thường, thì bệnh cảm cúm thường tiến triển trong khoảng 2 – 7 ngày, sau đó triệu chứng giảm dần đến khi biến mất khi hệ miễn dịch cơ thể đã kiểm soát được virus gây bệnh. Ở trẻ nhỏ thì căn bệnh này có thể kéo dài lâu hơn do sức đề kháng của trẻ yếu hơn. Một số triệu chứng cảm cúm điển hình bao gồm là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho, triệu chứng ho đôi khi thường nặng và kéo dài. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng về đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhất là với trẻ em.
Bệnh viêm xoang
Xoang là các hốc rỗng chứa đầy không khí, được phủ bằng lớp niêm mạc là mô mềm. Theo như vị trí thì xoang được chia thành 4 loại với 4 bệnh viêm xoang tương ứng gồm: xoang trán, xoang bướm, xoang hàm, xoang sàng. Bệnh viêm xoang là tình trạng màng niêm mạc lót bên trong bị nhiễm trùng do vi trùng, siêu vi trùng gây ra dẫn đến phù nề, thu hẹp đường kính các lỗ xoang. Từ đó gây ra tình trạng mưng mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang không thoát ra được.
Viêm xoang được chia thành 2 loại là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường xảy ra ở xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và viêm đa xoang. Viêm xoang cấp tính thường không kéo dài, nhưng nếu người bệnh không chữa trị và phòng ngừa tốt thì có thể gây viêm xoang mạn tính. Viêm xoang là loại bệnh mà bạn phải tuân thủ quy trình và thời gian điều trị của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng bằng những các thuốc đặc trị để có được kết quả tốt nhất.
Các triệu chứng của bệnh viêm xoang bao gồm: sốt, đau nhức tại vị trí xoang bị viêm, chảy dịch, nghẹt mũi, điếc mũi,… Tuy nhiên các triệu chứng này khá giống với bệnh viêm đường hô hấp thông thường nên thường chỉ phát hiện khi bệnh đã vào giai đoạn nặng hoặc bệnh kéo dài. Ngoài ra, bệnh viêm xoang còn có thể có một số dấu hiệu khác như khi nghiêng người về phía trước sẽ có cảm giác chóng mặt hay choáng váng, đau ở xung quanh vùng mắt và nhịp mạch đập. Nếu viêm xoang nặng có thể bị viêm thần kinh mắt dẫn tới bị mờ mắt.
Bệnh viêm thanh quản
Viêm thanh quản cũng là bệnh đường hô hấp thường gặp với nguyên nhân gây bệnh thường do virus, vi khuẩn hoặc nấm. Bệnh này có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng ở độ tuổi nào và triệu chứng bệnh ở trẻ em hay người lớn tuổi cũng khác nhau. Trẻ nhỏ bị viêm thanh quản thường có triệu chứng như: sốt nhẹ đến sốt cao, khàn tiếng, khóc khàn, ho, thở rít,… và các triệu chứng này sẽ nặng dần về ban đêm. Còn bệnh viêm thanh quản ở người lớn thường có những biểu hiện như: cơ thể mệt mỏi, gai rét, ớn lạnh, sốt nhẹ, mất tiếng hoặc khàn tiếng, đau họng,…
Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm thanh quản có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Nếu tình trạng viêm niêm mạc thanh quản tái đi tái lại nhiều lần hoặc quá trình viêm thanh quản kéo dài sẽ dẫn đến quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản gây nên bệnh viêm thanh quản mạn tính.
Bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị viêm nhiễm. Các tổn thương này sẽ gây ra hàng loạt các triệu chứng khác nhau, trong đó điển hình nhất là các cơn ho, đờm. Bệnh viêm phế quản được chia thành 2 thể là cấp tính và mạn tính. Ở giai đoạn bệnh viêm phế quản cấp tính thì tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở phần niêm mạc phế quản chưa có sự tổn thương và nguyên nhân gây bệnh này là do virus.
Còn viêm phế quản mạn tính chính là phát triển xấu đi của thể cấp tính. Ở giai đoạn này thì ống phế quản của người bệnh sẽ liên tục bị kích thích, từ đó dẫn đến các biến chứng bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài trong thời gian dài, từ vài tháng đến vài năm. Mức độ ảnh hưởng ở giai đoạn mạn tính cũng nghiêm trọng hơn cấp tính nhiều lần.
Khi bị bệnh viêm phế quản, người bệnh thường có những biểu hiện là: ho khan, ho có đờm hoặc ho thành từng tiếng, có thể sốt nhẹ hoặc cao, thở khò khè do lòng phế quản bị thu hẹp,… Thêm một lưu ý nữa là viêm phế quản trở thành bệnh lý phổ biến là do tính lây lan. Virus hợp bào gây ra bệnh viêm phế quản rất dễ phát tán, lây lan qua đường không khí. Bệnh viêm phế quản có thể lây lan theo 2 đường chính là tiếp xúc trực tiếp giữa người với người và lây lan qua các vật dụng cá nhân.
Bệnh viêm tiểu phế quản
Bệnh viêm tiểu phế quản là một bệnh do virus gây ra, thường gặp ở các trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 6 tháng tuổi vào những tháng mùa đông. Loại bệnh này xảy ra khi có một loại virus lây nhiễm vào tiểu phế quản gây nhiễm trùng làm cho các tiểu phế quản của trẻ bị sưng lên và bị viêm, làm tăng chất nhầy bên trong lòng phế quản khiến không khí khó lưu thông vào và ra khỏi phổi.
Khi bị bệnh viêm tiểu phế quản sẽ không có các dấu hiệu nhận biết đặc trưng bởi các triệu chứng của bệnh này thường giống và cũng hay gặp ở các bệnh viêm đường hô hấp khác. Tuy nhiên các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ nhận biết được trẻ có mắc bệnh không qua khám bệnh.
Hầu hết nguyên nhân của bệnh viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào (RSV) gây ra. Theo nghiên cứu tổng hợp thì các đợt bùng phát bệnh nhiễm virus RSV thường xảy ra mỗi mùa đông. Ngoài ra bệnh viêm tiểu phế quản cũng có thể được gây ra bởi các loại virus khác, bao gồm những loại gây ra bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Trong một số trường hợp, đặc biệt là nếu có vấn đề sức khỏe hoặc trẻ sơ sinh đẻ non, bệnh viêm tiểu phế quản có thể trở nên nghiêm trọng và cần phải nhập viện để điều trị.
Bệnh viêm phổi
Bệnh viêm phổi là tình trạng các phế nang của phổi bị viêm do một nguyên nhân bất kỳ gây ra. Viêm phổi có thể xuất hiện tại một vị trí cố định hay một vài vùng. Đặc biệt nguy hiểm hơn là xuất hiện viêm toàn bộ phổi. Thông thường, mọi người hay mắc phải bệnh viêm phổi cấp tính. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi có rất nhiều, có thể do vi khuẩn (streptococcus pneumoniae, haemophilus, legionella…), do virus (Influenza A, B, virus hợp bào, virus rhinovirus, adenoviruses…), do nấm,…
Khi mắc bệnh viêm phổi thì ngay tại vị trí viêm sẽ xuất hiện các dịch mủ và người nhiễm bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng cụ thể như tức ngực, khó thở, mệt mỏi, suy nhược, thân nhiệt luôn tăng cao không giảm, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi,… Có thể xuất hiện thêm các tình trạng như nôn mửa không kiểm soát, tiêu chảy,…
Bệnh viêm phổi là loại bệnh có tính lây truyền rất lớn. Với những đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền thì cần tránh xa các đối tượng đang mắc bệnh. Nhớ luôn cẩn trọng và chú ý khi thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng giống với bệnh viêm phổi. Khi đó hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa các bệnh hô hấp thường gặp
Để phòng ngừa các bệnh hô hấp thường gặp thì việc tiêm phòng vắc xin cũng là biện pháp hiệu quả nhưng cần tiêm chủ động hàng năm để cập nhật các chủng virus bệnh mới. Tuy nhiên vắc xin chỉ là một phần giúp cơ thể bạn tạo miễn dịch với các loại virus phổ biến, nếu có nhiễm tác nhân gây bệnh khác thì bạn vẫn có thể mắc bệnh.
Ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh đường hô hấp như:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng nước muối súc miệng hàng ngày.
- Hạn chế việc dùng tay chạm lên mặt, miệng, mũi,… để tránh lây nhiễm các tác nhân gây bệnh.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá để bảo vệ hệ hô hấp của cơ thể khỏe mạnh.
- Tránh và hạn chế việc tiếp xúc gần gũi với những người đang bị bệnh
- Vệ sinh các đồ vật thông dụng hay tiếp xúc như điều khiển từ xa, điện thoại, nắm tay khóa cửa,…
Dù các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp sẽ không quá nguy hiểm nhưng bạn cũng không nên chủ quan khi mắc bệnh. Nên cố gắng nghỉ ngơi và điều trị tích cực để sức khỏe được phục hồi nhanh chóng. Nếu không điều trị tốt và kịp thời thì bệnh viêm đường hô hấp có thể trở thành mạn tính kéo dài. Từ đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khiến việc điều trị khó khăn hơn.