Bị táo bón, làm sao để mau khỏi?
Táo bón là một vấn đề tiêu hóa khá thường gặp, đôi khi nó cũng là cơn ác mộng của nhiều người. Táo bón không chỉ khiến việc đi đại tiện trở nên khó khăn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thậm chí, táo bón nếu để kéo dài làm cho các chất cặn bã không được đào thải, từ đó tăng nguy cơ viêm nhiễm trực tràng và có thể dẫn đến ung thư đại tràng. Vậy, táo bón bắt nguồn từ đâu, làm sao để mau khỏi nhanh và hiệu quả nhất?
Mục lục
Táo bón là gì? Nguyên nhân dẫn đến táo bón
Có thể hiểu, táo bón là một dạng rối loạn về đường tiêu hóa, với biểu hiện là đi ngoài không đều, phân cứng, khó đi kèm theo cảm giác đau ở hậu môn. Thực ra, táo bón có thể hiểu theo nhiều cách, nhưng nếu ở người lớn, quá 3 ngày chưa đi đại tiện và ở trẻ em, quá 1 tuần không đi ngoài 3 lần thì có thể gọi là táo bón.
Táo bón có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát. Mỗi loại táo bón sẽ tồn tại nhiều vấn đề khác nhau, chúng ta có thể hiểu như sau:
+ Đối với táo bón nguyên phát: Đó có thể là do sự rối loạn cơ chế tống phân của cơ thắt, cơ vòng hậu môn hoặc là xuất phát từ việc nhu động ruột hoạt động kém. Ngoài ra, nằm trong nhóm nguyên nhân này còn có táo bón do rối loạn chức năng sàn chậu, được hiểu là do dây chằng bị thoái hóa, khiến cho trực tràng – hậu môn bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến táo bón. Lúc này, cần phải hỗ trợ thì mới có thể tống hết phân ra ngoài.
+ Đối với táo bón thứ phát: Đây có thể nói là nguyên nhân hàng đầu và phổ biến hơn cả. Theo đó, táo bón dạng này thường bắt nguồn từ chế độ ăn uống không hợp lý, cụ thể là ăn uống ít chất xơ, dư thừa chất béo, đạm động vật, ăn thực phẩm nhiều đường, uống nhiều cà phê, rượu, trà và thói quen uống ít nước, ít đi đại tiện. Ngoài ra, loại táo bón này còn đến từ việc người bệnh mắc một số các bệnh lý như nứt hậu môn, trĩ, bệnh về thân kinh, phụ nữ mang thai hoặc người đang dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc chống co giật,…
Táo bón có những biểu hiện nào?
Như đã nói ở trên, táo bón là tình trạng mà phân lưu lại ở trong ruột, không thể thải hết và phân trở nên khô, vón cục. Thông thường, nếu trên 3 ngày chưa đi ngoài thì khả năng rất cao bị táo bón. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đi tiêu hằng ngày, song đại tiện vẫn khó, vẫn có cảm giác đi sót, kèm theo triệu chứng chướng bụng, thì không hẳn là đã bị táo bón.
Theo đó, triệu chứng táo bón ở mỗi người là khác nhau, nó còn phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi cũng như nguyên nhân gây ra táo bón. Nhìn chung, những người bị táo bón thường thường gặp phải các biểu hiện như khó đi ngoài, rặn nhiều, phân cứng thành cục hoặc như viên bi, màu đen. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy bụng cứng và bị chướng bụng. Cụ thể hơn như sau:
+ Táo bón ở người lớn: Hơn 3 ngày chưa đi đại tiện, mắc đi ngoài nhưng khó đi, phải rặn nhiều và ngồi hàng giờ mới có thể tống phân ra ngoài. Phân thường cứng, có màu đen, có thể lẫn máu do đồng thời bị trĩ hoặc các bệnh lý khác làm xuất huyết hậu môn.
+ Táo bón ở trẻ em: 1 tuần không đi đại tiện quá 3 lần, đi đại tiện khó, mỗi lần đi trẻ phải rặn đỏ mặt, phân ra cứng, hạt nhỏ, có thể bị chảy máu nhẹ. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, táo bón có thể kéo dài đến 5-7 ngày, khi đi phân bị cứng, kèm theo cả máu và chất nhầy. Táo bón cũng gây nên phình bụng, khó chịu khiến trẻ quấy khóc, chán ăn, lười bú và ngủ không ngon giấc.
Thông thường, ai cũng sẽ bị táo bón ít nhất một lần trong đời. Tuy vậy, vẫn có những đối tượng dễ có nguy cơ bị táo bón hơn cả, thường là người già trên 60 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ bú sữa công thức. Bên cạnh đó, người có chế độ không đảm bảo, ăn ít rau, uống ít nước và ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo, đường và tinh bột cũng dễ bị táo bón “ghé thăm”.
Cách điều trị táo bón tại nhà nhanh và hiệu quả nhất
Theo các bác sĩ đầu ngành, phần lớn táo bón thường đến từ chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ. Do đó, nó cũng sẽ nhanh khỏi nếu như bạn thay đổi cách ăn uống, sinh hoạt một cách tích cực hơn. Thông thường, tùy vào nguyên nhân gây ra táo bón mà các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị cụ thể. Về cơ bản, bạn hoàn toàn có thể loại bỏ táo bón bằng một số các mẹo như sau:
Uống đủ nước
Việc thiếu hụt nước trong chúng ta dễ bị táo bón. Bạn có biết, nước là thành phần giúp làm mềm phân, khiến chúng dễ dàng di chuyển hơn trong đại tràng. Do đó, khi bỗng dưng bị táo bón, việc đầu tiên bạn nên làm là uống nhiều nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày. Để đẩy nhanh hiệu quả, bạn có thể bổ sung thêm nước mận đồng thời uống 1 cốc nước ấm vào mỗi sáng.
Tuy nhiên, bạn cần hiểu nước ở đây là nước tinh khiết. Bạn có thể tăng cường thêm một số loại nước khác như nước ép, trà thảo mộc, sinh tố. Một số nghiên cứu cũng cho rằng, uống nước cho ga giúp giảm các triệu chứng của táo bón, giảm chứng khó tiêu. Tuy nhiên, cần tránh các nước uống có ga chứa nhiều đường, ví dụ như nước ngọt, thay vào đó nếu bị táo bón, bạn nên uống nước khoáng tự nhiên có ga sẽ tốt hơn.
Tăng cường chất xơ trong bữa ăn
Để giúp cải thiện các triệu chứng của táo bón, các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến khích người bệnh nên bổ sung thêm chất xơ trong chế độ ăn uống của mình. Cụ thể là trái cây, lúa mạch, yến mạch, các loại đậu và hạt. Đây là chất xơ hòa tan, giúp giảm độ đặc của phân và khiến chúng mềm hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên song song bổ sung cả các chất xơ không hòa tan như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cám lúa mì.
Vận động nhiều hơn
Mặc dù, táo bón chủ yếu khởi nguồn từ chế độ ăn uống, tuy nhiên nó không hẳn là duy nhất. Việc ngồi một chỗ, ít vận động, đi lại cũng là nguyên nhân thúc đẩy cho chứng táo bón trở nên tồi tệ hơn. Theo đó, nếu tăng cường vận động cơ thể bằng cách tập luyện thể thao, nhất là các bài rèn sức bền như đi bộ nhanh, cầu lông, bơi lội sẽ cải thiện rất tốt các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có táo bón.
Tạo thói quen đi đại tiện
Việc trì hoãn đại tiện vô tình gây áp lực lên hậu môn, khiến cho phân bị tích trữ từ đó khiến cho tình trạng táo bón càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu có cảm giác muốn đi tiêu, bạn nên đi ngay tránh trì hoãn. Tốt hơn hết, hãy nên tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày 1 lần, vào một khung giờ nhất định để hình thành khung giờ sinh học cho cơ thể, thường là buổi sáng sau khi ngủ dậy. Mỗi lần đi chỉ nên đi tối đa 10-15 phút, tránh ngồi lâu đọc báo hoặc xem điện thoại.
Sử dụng thuốc nhuận tràng
So với các cách điều trị táo bón khác thì việc uống thuốc nhuận tràng thường đem đến một hiệu quả nhất định hơn cả. Tùy thuộc vào từng biểu hiện của bệnh mà các bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn sử dụng loại thuốc phù hợp, ví dụ như thuốc nhuận tràng tạo khối, thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng thuốc điều trị táo bón khi có sự chỉ định và kê đơn từ bác sĩ. Nếu là thuốc không kê đơn, vẫn nên có sự tư vấn từ các y bác sĩ.
Thụt hậu môn
Đây chỉ là sự lựa chọn mang tính “cấp bách” trong trường hợp một ai đó bị táo bón nặng, kéo dài. Đây là một trong số ít cách chữa táo bón mang đến tác dụng nhanh, giúp đi đại tiện thành công ngay tức thì. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể dẫn đến rủi ro nếu quá lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách. Cụ thể là bị đau rát, tổn thương hậu môn, bị phụ thuộc thuốc cũng như dễ mắc các bệnh về đại tràng – trực tràng.
Nếu để táo bón kéo dài, lâu ngày không chữa trị có thể gây ra rất nhiều các biến chứng về hệ tiêu hóa như bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng ở người lớn. Ở trẻ em, nếu táo bón thường xuyên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hấp thụ dinh dưỡng của trẻ, từ đó gây ra sự thiếu hụt chất, chậm tăng cân, chiều cao và trí não. Do đó, nếu bị táo bón cần chủ động tìm cách chữa trị, nếu nhẹ chỉ cần uống thêm nước, ăn nhiều rau, trái cây. Còn nếu táo bón kéo dài, nặng hơn thì nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.