Bệnh cúm: nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị
Bệnh cúm là một loại bệnh thường diễn ra quanh năm, có những dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nên rất nhiều người đã xem nhẹ. Chính vì sự chủ quan không chữa hoặc điều trị quá muộn đã khiến bệnh chuyển nặng, gây nên biến chứng nguy hiểm. Vì thế để có thể kịp thời nhận biết bệnh cúm thì bạn nên tìm hiểu các thông tin cơ bản về căn bệnh này như nguyên nhân gây ra, triệu chứng biểu hiện, cách thức điều trị,…
Mục lục
Định nghĩa về bệnh cúm
Bệnh cúm là một dạng bệnh nhiễm virus cấp tính. Bệnh này sẽ xuất hiện khi virus cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp đường mũi, cổ họng, các ống phế quản và có thể gồm cả phổi. Thông thường bệnh cúm đa số là diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự phục hồi trong khoảng 2 ngày – 7 ngày. Tuy nhiên ở vài trường hợp đặc biệt như người bệnh suy giảm miễn dịch, người bệnh có mắc thêm các bệnh mạn tính,… thì bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, gây ra các biến chứng nặng và dẫn tới tử vong.
Bệnh cúm có thể tấn công gây bệnh đối với mọi đối tượng, ở người lớn tỷ lệ mắc bệnh là 5% – 10%, còn trẻ em là 20% – 30%. Đặc điểm nguy hiểm của bệnh cúm đó là khả năng lây nhiễm cao dẫn đến nguy cơ gây bùng dịch. Ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam thì bệnh cúm thường xảy ra vào mùa mưa nhưng vẫn có thể phát tán vào bất kỳ thời điểm nào khác trong năm.
Bệnh cúm được phân chia thành 3 loại khác nhau, bao gồm:
- Cúm A: còn có tên gọi khác là cúm mùa và được tìm thấy ở nhiều loài động vật. Virus cúm A thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều loại biến chủng mới. Đây cũng là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng lây nhiễm cao. Các phân nhóm cúm A thường xuất hiện đó là: A (H1N1) và A (H3N2).
- Cúm B: cũng tương tự như cúm A, virus cúm B cũng có thể bùng phát gây bệnh theo mùa. Về sự khác biệt thì virus cúm B nhìn chung thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên khi so sánh với cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh ở người, không có phân chia theo loại như cúm A và cũng không gây ra những đợt lây nhiễm hay dịch bệnh lớn.
- Cúm C: Virus cúm C cũng được tìm thấy ở người nhưng có các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với cúm A và cúm B. Nhiễm cúm virus C cũng ít hình thành các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân của bệnh cúm
Tác nhân gây ra bệnh cúm là virus Influenza (gồm 3 loại là A, B, C). Virus cúm này sẽ tồn tại trong không khí và sẽ xâm nhập vào cơ thể khi ta chạm chân tay và mắt, mũi miệng. Bệnh cúm thường xảy ra nhiều vào mùa đông, mùa xuân hàng năm. Trong đó sẽ tuỳ vào sự thay đổi kháng nguyên hemagglutinin (H) và neuraminidase (N) mà các chủng virus cúm gây bệnh hàng năm thường cũng biến đổi khác nhau.
Với 3 loại virus cúm, thì virus A thường gây ra các ổ dịch bệnh lớn còn cúm B và C thường chỉ gây những ổ dịch nhỏ, ít nguy hiểm hơn. Virus cúm có khả năng lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc trong lúc nói chuyện khiến các giọt bắn của dịch tiết mũi họng có chứa virus xuất hiện trong không khí và tồn tại trên các bề mặt, các đồ vật xung quanh.
Nếu bạn tiếp xúc phải các dịch bắn này sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cúm. Đây là nguyên nhân khiến bệnh cúm rất dễ lây lan nơi đông người. Nếu không có phương pháp phòng ngừa hiệu quả thì cúm có thể gây ra đại dịch.
Ở những nơi tập trung đông đúc người, tình trạng tiếp xúc trực tiếp giữa người với người là điều kiện lý tưởng để bệnh cúm có khả năng lây lan nhanh. Người bị bệnh cúm có thể lây nhiễm cho người khác ngay trong thời gian ủ bệnh từ 1 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng cho đến 5 ngày – 7 ngày sau khi đã phát bệnh. Riêng với đối tượng trẻ nhỏ hoặc người có sức đề kháng yếu, thời gian lây nhiễm bệnh cúm có thể kéo dài hơn cho tới khoảng 2 tuần.
Triệu chứng của bệnh cúm
Các biểu hiện về triệu chứng của bệnh cúm thường có những đặc điểm chung của tình trạng nhiễm virus đường hô hấp cấp. Thông thường bệnh cúm mà có diễn biến lành tính thì trong vòng 5 ngày – 7 ngày với các triệu chứng như:
- Sốt cao đột ngột
- Đau mỏi người, nhức người
- Chóng mặt
- Ho khan, hắt hơi sổ mũi, nghẹt mũi
Sau đó bệnh có thể tự hết. Tuy nhiên đối với những đối tượng như người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng gây nên suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh cúm thường có biểu hiện các triệu chứng khoảng 2 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Đây cũng là bệnh rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, từ đó khiến nhiều người xem nhẹ bệnh cúm, không có những biện pháp phòng ngừa.
Cách điều trị bệnh cúm
Hiện nay vẫn chưa có cách để điều trị bệnh cúm triệt để. Bác sĩ chỉ đưa ra các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn.
Dùng thuốc giảm đau
Người bệnh cúm có thể sử dụng các loại thuốc trị cảm, thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt không kê đơn để giảm bớt một số triệu chứng của bệnh cúm khó chịu như ho, sổ mũi, nhức đầu,… Lưu ý nếu cơ thể không khỏe hay có dị ứng với loại thuốc nào thì nhớ tư vấn bác sĩ trước.
Dùng thuốc kháng virus
Với người bệnh bị nhiễm trùng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao thì việc sử dụng thuốc kháng vi rút là phương pháp điều trị cúm cần thiết. Dùng thuốc kịp thời, đúng cách giúp giảm mức độ các triệu chứng và rút ngắn thời gian nhiễm bệnh. Đây cũng là cách ngăn ngừa các biến chứng cúm tiến triển – nhất là ở người lớn tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Hiện cũng có 3 loại thuốc kháng virus được khuyên dùng trong điều trị bệnh cúm bao gồm: oseltamivir (Tamiflu®), zanamivir (Relenza®) và peramivir (Rapivab®).
Dùng thuốc kháng sinh
Thật ra thì thuốc kháng sinh không có tác dụng trong việc điều trị bệnh cúm vì không thể tiêu diệt được virus gây bệnh. Nhưng vì bệnh cúm có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể khiến người bệnh dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng khác. Lúc này thì thuốc kháng sinh có thể sẽ cần sử dụng đến để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
Nghỉ ngơi
Bệnh cúm vẫn có thể tự khỏi sau thời gian ngắn đối với những ai có hệ miễn dịch tốt. Nên khi mắc bệnh cúm, bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi và uống nhiều nước giúp cơ thể dần chống lại sự nhiễm trùng. Không nên hút thuốc lá, uống rượu trong lúc bệnh cũng như nên hạn chế trà, cà phê, các đồ uống có chất kích thích,… Về phần dinh dưỡng thì người mắc bệnh cúm nên tăng cường bổ sung các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, giúp sức khỏe hồi phục nhanh chóng.
Một số câu hỏi về bệnh cúm
Có một số câu hỏi liên quan về bệnh cúm mà nhiều người cũng thường quan tâm, hay thắc mắc.
Như chúng ta cũng biết thì bệnh cúm là một bệnh lý hết sức phổ biến mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Theo số liệu thống kê thì trung bình một người trưởng thành có thể bị cúm từ 2 – 3 lần/năm, trẻ em có thể từ 6 – 7 lần/năm. Một số đối tượng dễ mắc bệnh cúm có thể kể đến như trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người lớn trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người bị béo phì nặng,…
Nhờ sự phát triển của y học, hiện nay bệnh cúm có thể được phát hiện bằng nhiều phương pháp khoa học như:
– Phương pháp phát hiện kháng nguyên: đây là phương pháp phổ biến nhất vì cho ra được kết quả nhanh, trong thời gian ngắn.
– Phương pháp sinh học phân tử: cho ra kết quả nhanh chóng, chính xác và đặc biệt có thể giúp phân biệt các loại virus cúm nguy hiểm.
– Phương pháp huyết thanh học
– Phương pháp phân lập virus
Bệnh cúm có thể dễ dàng lây lan qua đường hô hấp và gây thành dịch bệnh. Do vậy việc tìm hiểu những biện pháp phòng ngừa bệnh cúm là rất quan trọng. Bạn có thể lưu ý đến những cách thức như sau:
– Ở những khu vực có dịch cúm hoặc có nguy cơ bùng phát dịch cúm thì cần hạn chế tụ tập đông người, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên rửa tay với xà phòng.
– Nhớ tiêm phòng vaccine đầy đủ theo khuyến cáo của bác sĩ. Nhất là với những đối tượng có sức đề kháng yếu,phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ,…
– Có sự kết hợp uống thuốc phòng bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
– Vệ sinh sạch sẽ các bề mặt vật dụng như: thường xuyên lau dọn, khử khuẩn bề mặt các vật dụng trong nhà, văn phòng, nơi công cộng có khả năng cầm nắm nhiều (ví dụ: tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi, mặt bàn,…)
– Thường xuyên tập thể dục đều đặn. Những người có thói quen vận động, tập luyện thể dục thể thao thường có triệu chứng ít nguy hiểm và thời gian hồi phục nhanh hơn nếu bị nhiễm bệnh cúm.