Ai dễ bị mỡ máu? Biến chứng là gì?
Máu nhiễm mỡ, hay còn gọi là rối loạn mỡ máu, đang trở thành một trong những căn bệnh thường thấy, đe dọa sức khỏe của nhiều người trong xã hội hiện đại. Tình trạng này xuất phát chủ yếu từ chế độ ăn uống thiếu khoa học, thừa chất béo, ít vận động, dẫn đến béo phì và làm tăng cholesterol, triglyceride trong máu. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, máu nhiễm mỡ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: đột quỵ, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não,…
Mục lục
Bệnh mỡ máu là gì?
Máu nhiễm mỡ, còn được gọi là mỡ máu cao hoặc rối loạn chuyển hóa lipid máu, là tình trạng mất cân bằng các chất béo (lipid) trong máu. Thông thường, máu luôn chứa một lượng mỡ nhất định, được đánh giá qua các chỉ số xét nghiệm như triglycerid và cholesterol. Khi bị máu nhiễm mỡ, các chỉ số này sẽ vượt quá mức cho phép, đặc biệt là cholesterol cao. Đây chính là đặc điểm nổi bật của rối loạn mỡ máu.
>> Xem thêm: Mỡ máu là gì? Bao nhiêu là bình thường? Cách cải thiện
Ai dễ bị mỡ máu?
Nhóm người có nguy cơ cao mắc mỡ máu bao gồm người có chế độ ăn uống không lành mạnh, thừa cân, ít vận động, thường xuyên căng thẳng cũng như có tiền sử gia đình mắc bệnh… Cụ thể:
Người ăn nhiều chất béo
Lượng chất béo dư thừa trong khẩu phần ăn hàng ngày là nguyên nhân chính làm gia tăng khả năng bị mỡ máu. Khi cơ thể nạp nhiều chất béo hơn mức cần thiết, lượng calo dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ và tích tụ trong cơ thể, dẫn đến béo phì và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Nhóm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa cần được lưu ý bao gồm: thịt bò, thịt lợn, thịt bê, trứng, sữa nguyên kem,… Ngoài ra, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, bơ, dầu dừa, ca cao cũng là những tác nhân tiềm ẩn cho sức khỏe do hàm lượng chất béo cao.
Người béo phì
Đối tượng béo phì có nguy cơ cao gặp phải rối loạn mỡ máu do sự thay đổi bất lợi trong nồng độ cholesterol. Cholesterol xấu (LDL) tăng cao trong khi cholesterol tốt (HDL) giảm sút, dẫn đến tình trạng dư thừa mỡ trong máu. Mỡ thừa này tập trung chủ yếu ở vùng bụng và các cơ quan nội tạng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe và cản trở hoạt động bình thường của cơ thể.
Người lười vận động
Lười vận động, một thói quen phổ biến trong giới trẻ hiện nay khiến cho căn bệnh máu nhiễm mỡ xuất hiện, vốn thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi. Việc thiếu hụt hoạt động thể chất dẫn đến sự gia tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL) trong máu, tạo điều kiện cho căn bệnh nguy hiểm này phát triển. Ngồi lì một chỗ, hạn chế vận động là những nguyên nhân chính khiến nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ tăng cao.
Người hay căng thẳng, stress
Căng thẳng và áp lực kéo dài là một trong những yếu tố nguy hiểm dẫn đến tình trạng nhiễm mỡ máu. Khi đối mặt với stress, con người thường có xu hướng tìm đến thức ăn, đặc biệt là đồ ngọt và đồ chiên rán nhiều dầu mỡ. Điều này vô tình khiến cơ thể nạp thêm lượng calo dư thừa, tích tụ mỡ, đẩy cao nguy cơ nhiễm mỡ máu. Bên cạnh đó, áp lực công việc cũng khiến nhiều người lười vận động, đồng thời gia tăng thói quen sử dụng rượu bia, chất kích thích – những yếu tố góp phần làm tăng nồng độ cholesterol xấu trong máu.
Phụ nữ sau 45 tuổi
Trước giai đoạn mãn kinh, từ 15 đến 45 tuổi, phụ nữ thường sở hữu mức mỡ máu thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, sau độ tuổi này, do sự suy giảm hormone Estrogen, quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể phụ nữ gặp trục trặc, dẫn đến tăng cholesterol xấu (LDL) và triglyceride trong máu. Nguy cơ máu nhiễm mỡ và xơ vữa động mạch cũng theo đó mà gia tăng đáng kể.
Yếu tố di truyền và mắc một số bệnh lý
Di truyền và một số bệnh lý tiềm ẩn đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng nguy cơ mỡ máu cao. Theo các nghiên cứu, nếu bố mẹ, anh chị em hoặc ông bà có tiền sử mỡ máu cao, khả năng mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn đáng kể. Bên cạnh đó, một số bệnh lý như rối loạn hoạt động tuyến giáp, tiểu đường cũng góp phần làm tăng mức mỡ trong máu so với người bình thường.
Lưu ý: Mặc dù những đối tượng được nêu trên có nguy cơ cao mắc bệnh hơn, tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Do đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu người bị mỡ trong máu cao
Điều đáng lo ngại là mỡ máu cao thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều người chủ quan, chỉ phát hiện khi đã có biến chứng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, đặc biệt khi mỡ máu tăng cao đột ngột hoặc đã ở giai đoạn muộn, có thể xuất hiện một số dấu hiệu sau:
- Đau thắt ngực: Cơn đau không thường xuyên, ngắn, tự mất nhưng có thể tái diễn. Hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi. Khó thở có thể kèm hoặc không kèm tức ngực, lan ra 1-2 bên tay, sau lưng, cổ, hàm, thậm chí vùng dạ dày.
- Dấu hiệu bất thường: Vã mồ hôi, buồn nôn, đau đầu, choáng, hoa mắt, bứt rứt, thở ngắn, hồi hộp, mệt mỏi, giảm sức lao động.
- Ban vàng dưới da: Nốt phồng nhỏ, bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mắt, khuỷu tay, lưng, bắp đùi, gót chân, ngực… to bằng đầu ngón tay, vàng nhạt, không đau, ngứa.
Khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh mỡ máu, việc chủ động đi xét nghiệm các thành phần lipid là vô cùng cần thiết để có chẩn đoán xác định chính xác.
Biến chứng của bệnh mỡ máu
Mỡ máu cao đang trở thành vấn đề nhức nhối, đe dọa sức khỏe con người bởi những biến chứng vô cùng nguy hiểm bao gồm:
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Mỡ trong máu cao cùng rối loạn chuyển hóa sẽ là tác nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch, tắc mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ – những căn bệnh tim mạch vô cùng nguy hiểm.
- Viêm tụy cấp: Hàm lượng triglyceride cao trong máu gây sưng viêm tuyến tụy, dẫn đến các triệu chứng như sốt, nôn, đau bụng dữ dội, tiêu chảy và nhịp thở nhanh. Viêm tụy cấp diễn biến phức tạp và có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Tai biến mạch máu não: Cholesterol và triglyceride cao khiến xơ vữa động mạch, làm giảm lưu lượng máu lên não. Lâu dần, nguy cơ tai biến mạch máu não gia tăng do lòng động mạch bị thu hẹp.
- Suy giảm chức năng gan: Mỡ máu cao là nguyên nhân chính gây gan nhiễm mỡ và các bệnh lý gan nguy hiểm khác.
- Cao huyết áp: Mối liên hệ mật thiết giữa tăng huyết áp và mỡ máu cao dẫn đến tình trạng động mạch cứng, thu hẹp do mảng bám cholesterol và canxi. Khi này, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu qua động mạch, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp.
Làm cách nào để phòng tránh mỡ máu?
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, việc kiểm soát mỡ máu hiệu quả có thể đạt được thông qua những biện pháp sau:
Chế độ ăn uống cân bằng
Thay vì chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, bạn nên chuyển sang chế độ giàu chất xơ và chất béo không bão hòa để bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả. Để thực hiện chế độ này, bạn cần ưu tiên những thực phẩm đơn giản như bột yến mạch, các loại đậu, bơ và dầu thực vật. Những thực phẩm này có khả năng giảm cholesterol “xấu” (LDL) và tăng cholesterol “tốt” (HDL), góp phần ngăn ngừa mỡ máu cao – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh tim mạch nguy hiểm.
Thể dục thể thao thường xuyên
Để duy trì sức khỏe dẻo dai và tinh thần minh mẫn, cũng như hạn chế nguy cơ mắc bệnh mỡ máu, người trưởng thành nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần cho các hoạt động thể dục thể thao. Bạn có thể lựa chọn đa dạng các môn thể thao phù hợp với sở thích và điều kiện bản thân như chạy bộ, đạp xe, bơi lội,… để nâng cao sức bền, tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của cơ thể. Lưu ý khởi động kỹ trước khi tập và điều chỉnh cường độ tập luyện phù hợp để tránh chấn thương.
Bỏ thuốc lá
Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ, bỏ thuốc lá hoặc hoàn toàn không hút thuốc là biện pháp thiết yếu để phòng ngừa mỡ máu cao và bệnh tim mạch. Điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học bởi sau 15 năm cai thuốc lá thành công, nguy cơ mắc bệnh tim của người từng hút thuốc sẽ giảm thiểu, tiệm cận mức của người chưa bao giờ hút thuốc. Lý do là bởi khói thuốc lá chứa hàng loạt hóa chất độc hại, tấn công trực tiếp vào hệ tim mạch, gây tổn thương mạch máu và làm giảm HDL cholesterol – “cholesterol tốt” có vai trò bảo vệ tim mạch.
Hạn chế rượu
Uống nhiều rượu bia, được định nghĩa là hơn hai ly mỗi ngày đối với nam giới và một ly đối với phụ nữ, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe, bao gồm tăng cholesterol và triglyceride. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2020 về tác động của rượu bia đối với mỡ máu cao và bệnh tim mạch đã chỉ ra rằng ảnh hưởng thực sự của rượu bia đến sức khỏe tổng thể phụ thuộc rất nhiều vào lượng và cách thức tiêu thụ.
Duy trì vóc dáng
Sở hữu vóc dáng cân đối không chỉ mang lại vẻ ngoài tự tin mà còn góp phần quan trọng vào sức khỏe tim mạch. Khi chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt quá mức bình thường, lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể sẽ cản trở quá trình loại bỏ cholesterol LDL (xấu) khỏi máu, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì vậy, việc duy trì cân nặng hợp lý đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch. Theo khuyến cáo, chỉ số BMI lý tưởng nên dao động trong khoảng 18,5 – 24,9.
Mỡ máu cao vốn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim,… Do vậy, việc nhận biết đối tượng dễ bị mỡ máu cao và có những biện pháp phòng ngừa phù hợp là vô cùng quan trọng. Cụ thể, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để bảo vệ sức khỏe tim mạch và phòng ngừa mỡ máu cao hiệu quả. Ngoài ra, nếu có bất kỳ thắc mắc hay triệu chứng nào liên quan tới căn bệnh này, bạn cần ghé tới các trung tâm y tế để tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.