Những đối tượng dễ mắc bệnh trĩ mà ta không ngờ
Người xưa có câu “Thập nhất cửu trĩ” tức có ý nghĩa rằng cứ 10 người thì có đến 9 người bị trĩ, để chỉ mức độ phổ biến của căn bệnh này trong đời sống. Mặc dù, bệnh trĩ có thể xuất hiện ở bất cứ ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Tuy nhiên, thực tế thì bệnh trĩ thường có xu hướng tấn công một số đối tượng nhất định, nó có liên quan đến độ tuổi, công việc và cả chế độ ăn uống, sinh hoạt. Vậy, có phải ai cũng sẽ bị trĩ và những ai dễ bị trĩ nhất?
Mục lục
Bệnh trĩ là gì? Nguyên nhân bệnh trĩ là như thế nào?
Theo y học hiện đại, trĩ là bệnh lý liên quan đến việc các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn bị giãn quá mức. Một khi bị áp lực lớn, các tĩnh mạch đó trở nên căng phồng, lâu dần dễ dẫn đến xung huyết và chảy máu. Nếu để tính trạng này kéo dài, các mô dễ bị viêm và hình thành búi trĩ, có thể sa ra ngoài. Theo y học dân gian, trĩ cũng gọi là lòi dom.
Nói về lý do mắc bệnh trĩ, nó có thể xuất phát từ một số các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống thiếu khoa học, cụ thể là ăn ít rau, quá nhiều chất đạm, béo, thói quen uống ít nước, ngồi bồn cầu lâu, rặn nhiều, người ít vận động, phụ nữ mang thai và sau sinh. Ngoài ra, người bị béo phì, bị táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính, người quan hệ tình dục qua đường hậu môn cũng là yếu tố nguy cơ khiến họ dễ bị trĩ hơn người bình thường.
Đối tượng nào dễ bị mắc bệnh trĩ nhất?
Nhịp sống ngày càng hiện đại khiến trĩ dễ xảy ra với tất cả mọi người, nó không phân biệt độ tuổi, giới tính. Theo các bác sĩ đầu ngành, thực tế có một số nghề nghiệp có đặc thù riêng biệt, chính điều này làm cho các tĩnh mạch trĩ căng giãn quá mức, sinh ra trĩ. Dưới đây là một số đối tượng dễ bị trĩ hàng đầu hiện nay.
Phụ nữ có thai và sinh nở
Đây là những đối tượng có khả năng bị trĩ cao hơn so với những nhóm còn lại. Ngoài những lý do thông thường như ăn thiếu chất xơ, ít vận động hay uống ít nước thì nguyên nhân căn bản xuất phát từ việc phụ nữ mang thai và cho con bú phải chịu nhiều áp lực bất khả kháng. Theo đó, trong quá trình mang thai, áp lực của bụng tăng cao, nhất là ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.
Khi đó, tử cung chứa thai nhi ngày một lớn dần, vô tình chèn ép lên các bộ phận xung quanh, trong đó có cả vùng xương chậu và các tĩnh mạch vùng hậu môn. Điều này làm cho các tĩnh mạch này trở nên sưng đau. Hơn nữa, nồng độ hormone progesterone ở phụ nữ mang thai cũng tăng lên, gây ra sự giãn thành mạch và làm chúng trở nên dễ bị sưng. Ngoài ra, đa số các bà bầu cũng dễ bị táo bón, tăng cân nhanh cũng là yếu tố dễ gây ra bệnh trĩ.
Dân văn phòng ngồi nhiều
Đặc thù của dân văn phòng là làm việc với máy tính thường xuyên, do đó yêu cầu phải ngồi một chỗ, ít vận động. Chính điều này làm cho các tĩnh mạch ở vùng hậu môn – trực tràng bị áp lực nặng nề và đây chính là thủ phạm gây ra trĩ. Song song với đó, chế độ ăn của họ cũng không cân bằng, ăn ngoài nhiều dễ đến thiếu chất xơ, cộng thêm các vấn đề như ăn nhiều các fastfood chiên xào, nhiều dầu mỡ, uống ít nước là những thủ phạm gây ra bón và dễ bị trĩ.
Tài xế lái xe
Đây cũng là một trong số những đối tượng dễ bị trĩ nhất khi đặc thù công việc của họ là ngồi lâu, ít vận động tương tự dân văn phòng. Điều này vô tình làm cản trở sự lưu thông máu đến các vùng hậu môn, khiến các tĩnh mạch bị giãn nở quá mức tạo nên búi trĩ.
Hơn nữa, bệnh trĩ ở các tài xế cũng đến từ việc họ thường xuyên nhịn đại tiện, do không có thời gian hoặc là điều kiện lái xe đường dài. Từ đó gây ra sự mất phản xạ đại tiện của cơ thể, gây ra tình trạng táo bón. Cộng thêm thói quen hay hút thuốc, uống cà phê và ăn uống kém điều độ khiến cánh tài xế dễ bị bệnh trĩ “ghé thăm”.
Người lao động nặng nhọc
Nhóm đối tượng dễ bị trĩ nữa phải kể đến là những người có công việc nặng nhọc, vất vả như công nhân bốc vác, thợ xây dựng,vv… Việc khuân vác cũng như đội vật nặng lên đầu, vai với một khối lượng nặng và thường xuyên gây ra áp lực lên ổ bụng, kể cả các tĩnh mạch trực tràng – hậu môn. Qua nhiều năm, các tĩnh mạch này dễ bị giãn ra, hình thành trĩ.
Người bị táo bón lâu ngày và thường xuyên
Một nỗi khổ mà nhiều người thường mắc phải là bị táo bón, đây là một bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa mà hầu hết ai cũng gặp ít nhất một lần trong đời. Theo đó, táo bón là hiện tượng không đi ngoài trên 3 ngày, khi đi phân khô cứng, khó đi. Khi đó, nếu không thể đi đại tiện trong nhiều ngày, dẫn đến việc phân dồn ứ, mỗi lần đi phải rặn nhiều. Điều này vô tình gây áp lực lên vùng trực tràng – hậu môn khiến các thành hậu môn bị cọ xát quá mức, dẫn đến chảy máu và bệnh trĩ.
Một số đối tượng khác
Ngoài những đối tượng trên, bệnh trĩ có nguy cơ dễ tấn công một số nhóm người chuyên biệt. Cụ thể, theo tìm hiểu, người da trắng dễ mắc trĩ hơn gấp 10 lần so với người Mỹ gốc Phi. So với người trẻ thì người lớn tuổi cũng dễ bị trĩ hơn cả. Đặc biệt, nguy cơ bị trĩ cao nhất phải kể đến là phụ nữ mang thai và sinh con so.
Ngoài ra, các triệu chứng trĩ như có máu trong phân, đau rát khi đi đại tiện và ngứa ngáy, tiết dịch ở vùng hậu môn cũng dễ xuất hiện ở những người béo phì, người bị stress thường xuyên.
Một số thông tin liên quan về bệnh trĩ bạn nên biết
Ngoài việc nên biết ai dễ bị mắc bệnh trĩ nhất thì bạn cũng cần nên hiểu rõ các vấn đề liên quan để có sự dự phòng tốt nhất cho mình, tránh mắc phải căn bệnh khó nói này.
Theo y khoa, trĩ là cấu trúc giải phẫu bình thường của cơ thể, do đó ai cũng có trĩ. Còn bệnh trĩ, là để chỉ hiện tượng sự giãn nở, căng phồng quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Đây là một căn bệnh thường gặp và khá phổ biến trong đời sống hiện nay. Thực tế, hầu như ai cũng bị trĩ, ít nhất một lần trong đời. Trong 10 người thì có đến 9 người bị trĩ, song do biểu hiện nhẹ, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt nên nhiều người thường cho qua.
Bệnh trĩ không phân biệt độ tuổi, nó có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, căn bệnh này thường tập trung xuất hiện nhiều ở một số các độ tuổi sau đây:
– Độ tuổi từ 45-65: Đây là nhóm độ tuổi có nguy cơ dễ bị trĩ hơn cả, bởi thời điểm này cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hóa. Khi đó, vùng hậu môn – trực tràng cũng bị suy yếu và thiếu đi sự đàn hồi. Hơn nữa, khi đã bước vào tuổi già, người ở độ tuổi này cũng ít vận động nên dễ bị trĩ hơn.
– Độ tuổi trên 20: Có một thực tế là bệnh trĩ đang ngày càng trẻ hóa, bởi số người trẻ, nhất là ở độ tuổi trên 20 bị trĩ có xu hướng tăng lên. Điều này xuất phát từ việc sự thiếu khoa học trong chế độ ăn uống và công việc áp lực, ngồi nhiều khiến họ có nguy cơ bị trĩ.
– Trẻ em: Mặc dù, tỉ lệ bệnh trĩ ở trẻ ít hơn so với người lớn, nhưng vẫn có nguy cơ bị trĩ. Mặc dù, trẻ em có vận động, chơi đùa thường xuyên nhưng lại ăn rất ít rau xanh, trái cây trong khi đó lại thích các đồ ăn dầu mỡ như khoai tây chiên, pizza, bánh nướng, kẹo ngọt.
Mặc dù, bệnh trĩ có xu hướng xuất hiện nhiều ở một số các đối tượng, thường là những người có đặc thù công việc chuyên biệt như dân văn phòng, tài xế và cả phụ nữ mang thai, sinh nở. Tuy nhiên, đừng chủ quan vì nó cũng sẽ tấn công bất kỳ ai, nếu như người đó có chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý. Bên cạnh đó, nếu phát giác bệnh trĩ ở những biểu hiện đầu tiên, người bệnh nên kịp thời điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.