Loãng xương: nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa, điều trị
Loãng xương là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, nhất là người ở độ tuổi 50 trở lên. Lúc này, mật độ xương giảm dần, nếu để chuyển biến nặng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sinh hoạt. Thậm chí, một số trường hợp biến chứng của loãng xương có thể gây thương tật, tàn phế hoặc đi đến tử vong. Do đó, cần tìm hiểu loãng xương là gì, nguyên nhân, các biểu hiện để có thể kịp thời can thiệp.
Mục lục
Loãng xương là gì?
Loãng xương, hay còn gọi là giòn xương, xốp xương, xảy ra khi mật độ xương giảm dần theo thời gian, có thể khiến chúng trở nên giòn và dễ gãy hơn. Những người mắc bệnh này, xương thường dễ bị tổn thương và dễ bị gãy hơn, mặc dù chỉ là chấn thương rất nhẹ. Gãy xương do chứng loãng xương là hiện tượng rất thường gặp, có thể xảy ra ở xương cột sống, xương cẳng tay hay xương đùi.
Cũng giống như bệnh ung thư, suy thận, parkinson,…loãng xương tiến triển một cách âm thầm, chỉ đến khi người bệnh cảm thấy đau nhức thì bệnh đã trở nặng, khó thể phục hồi. Đặc biệt, chứng loãng xương càng trở nên nặng nề hơn khi về già do lúc này mật độ xương đã giãn nở, không còn đảm bảo sự cứng chắc như ở tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân dẫn đến loãng xương
Có rất nhiều lý do dẫn đến loãng xương, có thể đến từ bên trong cũng có thể đến từ sự tác động bên ngoài. Việc hiểu rõ về nguyên nhân gây loãng xương cũng sẽ giúp chúng ta biết cách ngăn ngừa ngay từ khi còn khỏe mạnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra loãng xương ở người già:
Tuổi tác: Đây chính là nguyên nhân hàng đầu để dẫn đến loãng xương. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những người lớn tuổi, nhất là người già có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người trẻ. Càng về già thì tỉ lệ mắc loãng xương càng cao hơn, chúng tăng dần theo độ tuổi.
Mãn kinh ở phụ nữ: Nữ giới khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh thường có nguy cơ cao mắc một số bệnh, trong đó có loãng xương. Lúc này, nồng độ nội tiết tố nữ Estrogen trong cơ thể họ bắt đầu suy giảm. Thực tế, Estrogen cũng kích thích hình thành xương. Một khi lượng Estrogen suy giảm thì dễ dẫn đến loãng xương.
Giới tính: So với nam giới, nữ giới có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới. Nguyên nhân là vì phụ nữ có cơ xương nhỏ nên mật độ xương cũng giảm mạnh hơn. Việc dễ bị mắc các bệnh tuyến giáp ở nữ giới cũng là một yếu tố, khi đó sự mất cân bằng hormone khiến canxi khó hấp thụ nên xương dễ bị loãng hơn. Ngoài ra, còn một số các yếu tố khác như phụ nữ ít cơ bắp hơn, ít vận động hơn cũng như phải trải qua các giai đoạn như mang thai, cho con bú,..
Do tác dụng phụ của thuốc: Các bác sĩ đầu ngành cho rằng, nếu một người thường xuyên dùng các loại thuốc corticosteroid, heparin trong thời gian dài mà không có sự chỉ định của bác sĩ, có thể dẫn đến mật độ xương giảm. Bên cạnh đó, một số các loại thuốc khác như thuốc chống ung thư, điều trị dạ dày, co giật,… nếu dùng không hợp lý, cũng góp phần tạo nên hiện tượng loãng xương.
Do lười vận động: Không tập luyện thường xuyên, ít hoạt động tay chân, ngồi nhiều là những thói quen xấu dễ làm xương khớp yếu đi nhanh chóng. Ngược lại, những người lao động nặng, hay khuân vác vật nặng thì cũng dễ mắc các bệnh về xương hơn người bình thường.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Một chế độ ăn không cân bằng, thiếu các dưỡng chất cần thiết như đạm và các chất tốt cho hệ xương khớp như canxi, vitamin D, omega-3 cũng sẽ dẫn đến loãng xương sớm. Sự cản trở canxi hấp thụ vào xương cũng đến từ các thói quen như uống nhiều rượu, bia, nước có gas, trà, cà phê,…
Không cung cấp đủ canxi: Canxi là dưỡng chất vàng giúp xương chắc khỏe. Vì vậy, việc không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết vào giai đoạn mà xương đang hình thành, phát triển thì về già, xương cũng suy yếu hơn.
Bên cạnh đó, một số các lý do khiến khiến xương dễ bị suy yếu, giòn và xốp hơn đó là ăn quá nhiều muối, hút thuốc lá, giảm cân quá mức. Những người mắc các bệnh lý khác như bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh thận, hội chứng Cushing, bệnh nội tiết cũng góp phần làm gia tăng khả năng bị chứng loãng xương.
Các triệu chứng của loãng xương
Các biểu hiện của bệnh loãng xương thường rất mờ nhạt, không rõ ràng. Do đó, nhiều người thường không biết mình bị bệnh, cho đến xuất hiện các cơn đau, nhức ở xương. Để có thể chẩn đoán loãng xương, các chuyên gia đã đưa ra một số các triệu chứng thường gặp như sau:
Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất, với các biểu hiện cụ thể đó là cảm giác đau nhức ở các đầu xương. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy mỏi ở vị trí dọc các xương dài, đôi khi có thể cảm nhận như bị kim châm chích toàn thân.
Lún xẹp cột sống: Sự giảm mật độ ở xương khi mắc loãng xương có thể khiến cho cột sống bị xẹp, lún. Lúc này, người bệnh có thể cảm nhận rõ có các cơn đau cấp, lưng gù hơn và chiều cao giảm rõ rệt.
Gãy xương: Đây có thể là những biểu hiện khởi phát đầu tiên của loãng xương. Xương dễ bị yếu đi, dễ gãy khi gặp các chấn thương nhỏ như té ngã, va đập hoặc trẹo chân. Những bộ phận dễ bị gãy nhất thường là xương cột sống, xương cẳng tay, cẳng chân, xương đùi vì chúng ở vị trí dễ bị tác động lực lên nhiều nhất.
Đau, nhức cơ xương: Khi bị loãng xương, bạn sẽ thấy những bộ phận thường chịu sức nặng nhất trên cơ thể như thắt lưng, cột sống, đầu gối, hông sẽ xuất hiện các triệu chứng đau, nhức mỏi. Những cơn đau ấy sẽ càng nặng hơn nếu như gặp các chấn thương, thường âm ỉ và kéo dài. Người bị loãng xương cũng khó xoay chuyển ở những tư thế như cúi gập người, xoay người.
Giảm mật độ xương ở người cao tuổi: Bệnh loãng xương có thể xuất hiện ngay từ khi bước vào độ tuổi trung niên. Các dấu hiệu giảm mật độ xương dễ nhìn thấy như bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hóa khớp, cao huyết áp,vv..
Cách điều trị chứng loãng xương
Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị chứng loãng xương, tùy thuộc vào mức độ bệnh lý mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có chỉ định khác nhau. Về cơ bản, bạn có thể hiểu nó có 2 phương pháp chính: phương pháp không sử dụng thuốc và phương pháp sử dụng thuốc.
PP không sử dụng thuốc: Cách này thường áp dụng cho những người có các biểu hiện loãng xương nhẹ, có thể điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Về chế độ ăn uống: Người bệnh sẽ được bác sĩ khuyến cáo tăng cường các thực phẩm chứa canxi và vitamin D. đồng thời, tránh các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá, nước ngọt có ga,…
Chế độ luyện tập: Duy trì các bài tập chịu đựng sức nặng như khiêu vũ, chạy bộ, đi bộ. Kết hợp với các bài tập tăng sức mạnh cho cơ như tập tạ, tập kháng lực,…
PP dùng thuốc: Phương pháp này thường được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp bị loãng xương ở mức nặng hơn. Khi đó, việc sử dụng các loại thuốc là cách điều trị chứng loãng xương đem đến hiệu quả cho người bệnh.
Thuốc bổ sung bắt buộc: Đảm bảo đưa vào cơ thể lượng canxi và vitamin D cần thiết, cụ thể là từ 1.000-1.200 mg/ ngày và 800-1.000 IU/ ngày
Thuốc chống hủy xương (nếu cần thiết): Thuốc có hiệu quả trong việc ức chế hoạt động của tế bào hủy xương. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có pháp đồ điều trị phù hợp.
Thuốc nhóm Biphosphonat: Đây là nhóm thuốc thường được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn để điều trị, thường áp dụng để điều trị loãng xương ở người cao tuổi > 60, phụ nữ sau mãn kinh.
Ngoài ra, còn một số nhóm thuốc khác như thuốc tăng tạo xương và ức chế hủy xương. Tuy nhiên, thuốc này tiềm ẩn tác dụng phụ, không tốt cho tim mạch nên chỉ được sử dụng khi thật cần thiết.
Các biện pháp phòng ngừa loãng xương sớm
Loãng xương là bệnh lý không quá nguy hiểm, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sức khỏe, nhất là đối với những người cao tuổi. Do đó, để có một cuộc sống về già khỏe mạnh, viên mãn, chúng ta cần có sự dự phòng ngay từ khi còn trẻ. Việc phòng ngừa loãng xương cũng rất đơn giản, chỉ cần chú ý tuân thủ một số các thói quen như sau:
Xây dựng chế độ ăn đa dạng, đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết như đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, bơ với lượng cần thiết là từ 1000-1500mg/ ngày.
Đạm cũng tốt cho cả xương. Một số các nghiên cứu đã chứng minh rằng, đạm đóng góp vào việc làm tăng mật độ trong xương. Lượng đạm khuyến nghị là 0.4g/ pound trọng lượng cơ thể. Sẽ tốt hơn cho xương nếu như bạn ăn thêm nhiều rau, hải sản, đậu nành, ngũ cốc, hoa quả tươi.
Để xương luôn chắc khỏe, dẻo dai, bạn cần thường xuyên vận động. Đó có thể là các bài tập thể dục như yoga, đi bộ, đạp xe, tập dưỡng sinh. Đối với giới trẻ, để tránh loãng xương sớm ở người già, cần nâng cao sức khỏe cơ xương bằng cách tập gym, yoga, aerobic, chơi thể thao.
Tránh ngồi nhiều, khuân vác quá nặng hoặc sai tư thế, làm việc nặng trong thời gian dài. Cùng với đó, hãy đi đứng cẩn thận, tránh té ngã để bảo vệ xương luôn khỏe mạnh, không bị tổn thương.
Bên cạnh đó, cần loại bỏ các thói quen không tốt cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu bia, các loại nước ngọt có ga, cà phê, soda.
Tắm nắng thường xuyên cũng là một cách phòng ngừa loãng xương đơn giản nhưng cũng đem đến hiệu quả rất tốt. Ánh nắng mặt trời là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình sản xuất vitamin D. Chúng không chỉ giúp trẻ em tránh còi xương mà còn giúp hạn chế chứng nhuyễn xương, loãng xương ở người già.
Thừa và thiếu cân cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị loãng xương cũng như gây ra một số bệnh lý. Do đó, hãy luôn có ý thức duy trì cân nặng ở mức hợp lý, dù là ở bất kỳ thời điểm nào.
Có sự hiểu biết nhất định về chứng loãng xương, các biểu hiện, nguyên nhân là điều cần thiết để chúng ta có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả ngay từ bây giờ. Đồng thời, để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe xương một cách toàn diện, mỗi người cũng cần đi kiểm tra mật độ xương định kỳ để kịp thời can thiệp nếu có bất kỳ những triệu chứng bất thường nào. Đừng quên uống 2 ly sữa mỗi ngày để củng cố sức khỏe hệ xương khớp.