Lipid máu (mỡ máu) là gì? Những điều cần biết
Lipid máu hay còn hiểu nôm na là mỡ máu. Một khi nồng độ chất này trong máu tăng cao có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là bệnh mỡ máu. Do đó, việc hiểu rõ về lipid máu cũng như xét nghiệm lipid là điều cần thiết, giúp kịp thời phát hiện nhiều bệnh lý nghiêm trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân.
Mục lục
Định nghĩa Lipid máu
Lipid máu chính là chất béo trong máu, bao gồm cholesterol, Triglyceride (chất béo trung tính) và phospholipid. Trong đó, cholesterol là thành phần quan trọng nhất, nó được biết đến là một chất béo do gan sản xuất và được máu vận chuyển để cung cấp nguyên liệu cho thành tế bào và hormone. Trong khi đó, Triglyceride đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất như một nguồn năng lượng và giúp chuyển hóa chất béo đi khắp cơ thể.
Khi chỉ số lipid máu bất thường được gọi là rối loạn lipid máu. Điều này có thể góp phần gây ra chứng xơ vữa động mạch, sự tích tụ các chất béo trong mạch máu, là nguồn cơn phát triển các bệnh về tim mạch. Được biết, rối loạn mỡ máu chính là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch vành và đột quỵ.
Rối loạn lipid máu được đo như thế nào?
Xét nghiệm máu là phương pháp để xác định mức độ lipid trong máu. Khi đó, các xét nghiệm lipid máu tiêu chuẩn sẽ bao gồm đo cholesterol toàn phần, cholesterol lipoprotein (LDL), cholesterol mật độ cao (HDL) cũng như chất béo trung tính.
Theo Cục Thống kê Úc (ABS), một người được phân loại là mắc chứng rối loạn lipid máu nếu như họ có một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây:
- Cholesterol toàn phần ≥ 5,5 mmol/L
- Cholesterol LDL ≥ 3,5 mmol/L
- Cholesterol HDL < 1,0 mmol/L đối với nam và < 1,3 mmol/L đối với nữ
- Triglyceride ≥ 2,0 mmol/L
- Dùng thuốc điều chỉnh lipid
Trước khi xét nghiệm lipid máu, người bệnh thường sẽ được dặn nhìn ăn từ 8 đến 12 tiếng trước đó. Điều đó có nghĩa rằng bạn sẽ không được phép ăn bất kỳ thực phẩm nào và chỉ được uống nước. Xét nghiệm máu sẽ tiến hành vào buổi sáng, vì vậy bạn có thể ăn bữa tối thật ngon và ngủ một giấc sâu vào ngày hôm trước.
Những ai nên cần chẩn đoán lipid máu?
Cả nam và nữ ở độ tuổi từ 20 đến 40 cần được làm xét nghiệm Bilan Lipid lúc đói mỗi năm một lần
Đối với cả nam và nữ trên 40 tuổi, cần làm xét nghiệm Bilan Lipid máu định kỳ mỗi năm một lần để phát triển mỡ máu và kịp thời xử lý rối loạn lipid máu.
Những người có yếu tố nguy cơ tim mạch khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành,vv… cần thực hiện xét nghiệm sớm hơn và nhiều lần hơn tùy vào từng trường hợp.
Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu
Theo dữ liệu đo được từ một trung tâm nghiên cứu ở Úc, gần 2 trong 3 người từ 18 tuổi trở lên (63%) mắc chứng rối loạn lipid máu. Đồng thời, cứ 3 người Úc trưởng thành thì có 1 người có mức cholesterol LDL cao, gần 1 trong 4 có mức HDL thấp và 1 trong 7 có mức chất béo trung tính cao. Dưới đây là những yếu tố được xác định là nguyên nhân gây ra mỡ máu.
- Yếu tố di truyền và tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn lipid máu
- Tình trạng thứ phát của bệnh tiểu đường, thận mãn tính, rối loạn nội tiết và béo phì
- Các loại thuốc như hormone, steroid và thuốc lợi tiểu
- Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa dẫn đến cholesterol trong máu cao; thực phẩm chứa carbohydrate, đường và rượu, gây ra mức chất béo trung tính cao.
- Thiếu tập thể dục hoặc ít vận động
Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn lipid máu
Thông thường, rối loạn lipid máu không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào. Mức lipid cao có thể được chẩn đoán bằng cách làm xét nghiệm máu. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các biến chứng hoặc rối loạn khác như viêm tụy cấp. Cholesterol cao cũng có thể dẫn đến các cục màu vàng trên mí mắt và lòng bàn tay do cholesterol tích tụ trong da.
Bệnh nhân bị rối loạn lipid máu có hàm lượng cholesterol cao lâu ngày càng có nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Một khi tắc nghẽn động mạch, các triệu chứng lâm sàng đặc trưng cho động mạch liên quan sẽ xuất hiện, chẳng hạn như bệnh tim mạch vành, liệt và đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên.
Phương pháp điều trị rối loạn lipid máu
- Tập thể dục thường xuyên trong 30 phút, từ 3-4 lần một tuần nhằm duy trì cân nặng và chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh.
- Thực hiện chế độ ăn vừa đủ để đáp ứng nhu cầu ăn kiêng và dinh dưỡng của cơ thể, tránh xa các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa. Chúng được tìm thấy nhiều trong chất béo và thịt từ nguồn động vật như mỡ bò, mỡ lợn, thịt lợn, thịt bò, nước cốt dừa, dầu dừa, bơ và lòng đỏ trứng.
- Tránh tiêu thụ rượu
- Tránh hút thuốc vì nó làm giảm HDL- C
- Tránh ăn thực phẩm giàu tinh bột, đường và đồ uống ngọt vì chúng làm tăng mức chất béo trung tính
- Ngoài ra, nếu như bạn đã có một chế độ ăn kiêng hợp lý mà mức lipid vẫn không cải thiện, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc. Một số các loại phổ được sử dụng phổ biến là ezetimibe, niacin, gemfibrozil, atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pravastatin và simvastatin. Mỗi loại sẽ có tác dụng khác nhau đối với tình trạng lipid máu khác nhau.
Chế độ ăn uống dành cho người bị rối loạn lipid máu
Để phòng ngừa rối loạn lipid máu, người bệnh cần hiểu rõ về chế độ ăn uống dinh dưỡng để áp dụng cho riêng mình. Bên cạnh sự đa dạng về các nhóm chất, thực đơn ăn uống hằng ngày cũng cần nên ăn gì và không nên ăn gì để tốt cho sức khỏe.
Những thực phẩm nên ăn
Những loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol thấp, chẳng hạn như rau xanh, thịt nạc thăn, các sản phẩm làm từ đậu,vv… Đặc biệt, trong bữa ăn hằng ngày nên chú trọng đến rau xanh, không chỉ chứa nhiều chất xơ mà còn giúp giảm đi sự hấp thụ cholesterol của đường ruột.
- Tăng cường những loại thực phẩm, gia vị có công dụng giảm mỡ máu, chẳng hạn như chế phẩm đậu sữa, mộc nhĩ, nấm hương, hành tây, gừng, trà, tỏi,vv…
- Chỉ nên ăn các loại thịt nạc, tránh các loại mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, bơ và kem sữa bò. Với thịt da cầm, nên ăn thịt bỏ da, với các loại thực phẩm từ sữa chỉ nên chọn loại đã tách kem.
- Nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, ví dụ như dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương
- Ăn nhiều rau củ quả ít ngọt, nên ăn nguyên cả phần xác thay vì chỉ ép lấy nước uống.
- Nên có ít nhất 3 bữa cá và 1 ngày ăn đậu (đậu cô ve, đậu hũ, đậu xanh) thay thế cho thịt.
- Mỗi tuần chỉ nên ăn 2 quả trứng gà hoặc vịt, nếu ăn tôm, cua, ghẹ thì nên bỏ phần gạch.
Những thực phẩm không nên ăn
- Các món chiên xào nhiều dầu mỡ và các món ăn chứa hàm lượng cholesterol cao, chẳng hạn như da gà, da vịt, óc heo, mỡ lợn, mỡ bò, chân giò, lòng đỏ trứng.
- Đồ ăn ngọt nhiều, ví dụ như nước ngọt, mứt, chè, nước tăng lực, nước trái cây đóng hộp,vv…
- Đồ ăn công nghiệp chế biến sẵn, bởi chúng chứa các axit béo dạng trans, có thể làm tăng cholesterol trong máu
- Không nên sử dụng quá nhiều rượu bia, tuy nhiên nếu uống mỗi ngày 1 ly rượu vang đỏ sẽ rất tốt cho mạch máu.
Khi có những dấu hiệu của rối loạn lipid máu hoặc có những nguy cơ bị mỡ máu, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được tiến hành thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Khi đó, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như kết quả xét nghiệm của từng người mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cũng như có những lưu ý về ăn uống, luyện tập.