Bệnh tiểu đường: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị & ngăn ngừa
Tiểu đường là một loại rối loạn chuyển hóa khá nghiêm trọng, cần phải được kiểm soát và theo dõi chặt chẽ để tránh đi đến các biến chứng nguy hiểm như suy thận, đau tim, mù lòa và thậm chí là đột quỵ. Bất kỳ ai đều có thể mắc bệnh tiểu đường, vì vậy việc tìm hiểu về nguyên do, biểu hiện cũng như phương pháp điều trị là cần thiết để tự bảo vệ bản thân khỏi những tác hại tiêu cực của nó.
Mục lục
Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường, hay còn gọi là đái tháo đường là tình trạng có quá nhiều glucose trong máu. Khi đó, một loại hormone được gọi là insulin, được sản xuất bởi tuyến tụy, nó có vai trò như một chiếc chìa khóa của tế bào, giúp đưa glucose vào nơi được sử dụng để cung cấp năng lượng. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không thể tạo ra insulin, không đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Vì vậy, khi ăn thực phẩm có chứa carbohydrate, glucose không thể đi vào tế bào cơ thể vì “cánh cửa” tế bào được giữ nhiệm vụ bởi insulin không mở.
Bệnh tiểu đường được biết đến là một tình trạng nghiêm trọng và mãn tính, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Theo thời gian, mức đường huyết cao còn có thể làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh, dẫn đến các biến chứng về sức khỏe lâu dài như tổn thương tim, thận, mắt và bàn chân.
Tiểu đường được chia thành 3 loại chính: tiểu đường loại 1, tiểu đường loại 2 và tiểu đường thai kỳ. Tất cả các loại tiểu đường này đều phức tạp như nhau và cần phải được chăm sóc và quản lý hằng ngày. Căn bệnh này không phân biệt đối xử bởi ai cũng có thể mắc phải. Mặc dù hiện tại không có cách điều trị dứt điểm, song người bệnh vẫn có thể có một cuộc sống lạc quan, vui vẻ nếu hiểu rõ tình trạng bệnh của bản thân và quản lý nó một cách hiệu quả.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường
Ở bệnh tiểu đường loại 1, các triệu chứng thường xảy ra đột ngột và có thể đe dọa đến tính mạng vì vậy cần được can thiệp y tế trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Ở bệnh tiểu đường loại 2, nhiều người không có bất kỳ triệu chứng nào, một số các dấu hiệu khác đôi khi không được chú ý và bị cho là dấu hiệu của tuổi tác. Một khi các triệu chứng đầu tiên được nhận thấy, nghĩa là các biến chứng của bệnh tiểu đường đã bắt đầu xuất hiện.
Một khi lượng đường trong máu cao có thể gây ra một số triệu chứng, bao gồm:
- Mờ mắt
- Khát nước quá mức
- Đi tiểu nhiều hơn
- Cảm thấy mệt mỏi và thờ ơ
- Luôn cảm thấy đói
- Có vết căn lành chậm
- Ngứa, nhiễm trùng da
- Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nấm
- Giảm cân không rõ nguyên do (tiểu đường loại 1 hoặc loại 2)
- Tăng cân dần dần (tiểu đường loại 2)
- Tâm trạng lâng lâng]
- Cảm thấy nhức đầu, chóng mặt
- Chuột rút ở chân.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường
Sau nhiều năm, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, nó được gọi là biến chứng của tiểu đường. Những vấn đề có thể bao gồm:
- Các vấn đề về mắt, bao gồm khó nhìn (đặc biệt là vào ban đêm), nhạy cảm với ánh sáng, đục thủy tinh thể và mù lòa.
- Các vết loét và nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân, nếu không được điều trị có thể dẫn đến phải cắt cụt chân hoặc bàn chân
- Tổn thương dây thần kinh trong cơ thể, gây đau, ngứa ran, mất cảm giác, khó tiêu hóa thức ăn và rối loạn cương dương
- Vấn đề về thận, có thể dẫn đến suy thận
- Hệ thống miễn dịch suy yếu, dễ dẫn đến nhiễm trùng thường xuyên hơn
- Tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ
Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất ra để kiểm soát lượng đường trong máu. Vai trò cụ thể của nó là di chuyển glucose từ máu vào cơ, mỡ và các tế bào khác, nơi nó được lưu trữ hoặc sử dụng làm nhiên liệu. Những người bị tiểu đường có lượng đường trong máu cao, vì cơ thể không thể vận chuyển đường từ máu và cơ và mỡ để đốt cháy hoặc dự trữ năng lượng. Điều này có thể đến từ những nguyên nhân sau:
- Tuyến tụy không sản xuất đủ insulin
- Tế bào không phản ứng bình thường với insulin (gọi là kháng insulin)
- Cả hai loại trên
Có hai loại tiểu đường chính, đó là tiểu đường loại 1 và tiểu đường loại 2. Được biết, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ở mỗi loại cũng khác nhau, cụ thể như sau:
Đối với tiểu đường loại 1: Ít phổ biến hơn, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc thanh niên. Với loại tiểu đường này, cơ thể tạo ra ít hoặc không tạo ra insulin. Điều này được cho là do các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin bị tổn thương do quá trình miễn dịch và ngừng hoạt động. Khi đó, cần tiêm insulin hằng ngày.
Đối với tiểu đường loại 2: Phổ biến hơn và nó thường xảy ra ở những người ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, với trẻ em và thanh niên bị béo phì cũng có xu hướng mắc phải nhiều hơn. Một số người mắc tiểu đường loại 2 không biết họ bị mắc bệnh. Với loại này, cơ thể kháng insulin và không sử dụng insulin hiệu quả như bình thường. Chúng ta cần biết rằng, không phải tất cả những người bị tiểu đường loại 2 đều thừa cân hoặc béo phì.
Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác, ở một số người khó thể phân biệt được đó là loại 1 hoặc loại 2. Các nguyên nhân có thể bao gồm:
- LADA – Bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn, một biến thể của bệnh tiểu đường loại 1.
- MODY – Bệnh tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành ở người trẻ và bệnh tiểu đường do các bệnh khác
Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao phát triển bất cứ lúc nào trong thai kỳ, ở phụ nữ chưa từng mắc bệnh tiểu đường trước đó.
Cạnh đó, nếu như cha mẹ, anh chị em của một người mắc bệnh tiểu đường thì họ cũng có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.
Cách điều trị bệnh tiểu đường
Hiện tại, vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường nhưng nó hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.
Đối với tiểu đường loại 1: Khi mắc phải loại tiểu đường này, điều cần làm là thay thế insulin. Nó có thể được thực hiện bằng cách tiêm hoặc bơm insulin, nhằm mục đích giúp kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể. Hơn nữa, cũng không có cách nào để ngăn nó, chỉ có thể làm giảm các biến chứng bằng cách có một lối sống hợp lý.
Đối với tiểu đường loại 2: Chúng đôi khi có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất. Cuối cùng, để kiểm soát lượng đường, việc sử dụng thuốc sẽ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Đó có thể là thuốc viên hoặc thuốc tiêm (insulin hoặc các loại khác)
Đối với tiểu đường thai kỳ: Nó có thể được kiểm soát bằng cách giữ mức đường huyết trong phạm vi lành mạnh cho thai kỳ. Cụ thể, bạn cần có một kế hoạch ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên hơn.
Cách ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Mặc dù không thể ngăn ngừa được tiểu đường loại 1 nhưng đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn bệnh tiểu đường loại 2. Theo đó, một số thói quen lành lạnh giúp tránh xa các triệu chứng của căn bệnh này như sau:
Ăn uống lành mạnh
Tăng cường các loại thực vật trong chế độ ăn uống của mình giúp cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất và carbohydrate. Carbohydrate bao gồm đường và tinh bột, nguồn năng lượng cho cơ thể của bạn và cả chất xơ.
Các loại thực phẩm giàu chất xơ không chỉ thúc đẩy giảm cân mà còn giảm nguy cơ mắc tiểu đường. Chúng đặc biệt có nhiều trong các loại trái cây như cà chua, ớt, các loại rau lá xanh, bông cải xanh, súp lơ và còn có các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng.
Ngoài ra, bạn nên tránh các thực phẩm chứa “carbohydrate xấu” – nhiều đường, ít chất xơ hoặc chất dinh dưỡng như bánh mì trắng và bánh ngọt, mì ống làm từ bột mì trắng và các thực phẩm chế biến sẵn có đường, siro bắp chứa hàm lượng fructose cao.
Giữ cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì
Trong các nghiên cứu lớn trước đây, rất nhiều người đã giảm gần 60% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau khi giảm khoảng 7% trọng lượng cơ thể nhờ vào chế độ ăn uống và tập thể dục. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỹ khuyến cáo những người mắc tiểu đường nên giảm ít nhất từ 7-10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Hoạt động thể chất thường xuyên
Tập thể dục đem đến rất nhiều lợi ích, nhất là đối với sức khỏe và tinh thần. Theo đó, việc tập luyện đều đặn sẽ giúp bạn giảm cân, giảm lượng đường trong máu và tăng cường độ nhạy cảm với insulin. Bên cạnh các bài tập aerobic như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe tập trong ít nhất 150 phút mỗi tuần, bạn có thể kết hợp các bài tập luyện sức đề kháng, ít nhất từ 2-3 lần một tuần, bao gồm cử tạ, yoga và thể dục mềm dẻo. Chúng giúp tăng sức mạnh, sự cân bằng và khả năng duy trì cuộc sống năng động mỗi ngày.
Để kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tốt nhất vẫn là sàng lọc định kỳ bằng các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường loại 2 cho tất cả người lớn từ 45 tuổi trở lên. Đó sẽ là một biện pháp bảo vệ đúng đắn và an toàn nhất, nhất là đối với những người có nguy cơ cao bị tiểu đường, giúp họ có một cuộc sống an vui không biến chứng.