7 cách giúp tăng sức đề kháng tốt nhất
Sức đề kháng chính là khả năng phòng vệ của cơ thể, giúp chống lại sự xâm nhập của các yếu tố bên ngoài gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,… Nếu bạn có một sức đề kháng tốt thì sẽ ngăn chặn được những tác nhân gây hại từ môi trường xung quanh hoặc có thể tiêu diệt chúng đã xâm nhập vào bên trong cơ thể. Vì thế có những cách giúp tăng sức đề kháng mà bạn cần biết để giúp cơ thể mình khỏe mạnh hơn.
Mục lục
7 cách giúp tăng cường sức đề kháng cần biết
Bên cạnh việc thực hiện một chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ và khoa học, thì mỗi người cần xây dựng cho bản thân cũng như gia đình cuộc sống lành mạnh, vui khỏe để cơ thể luôn khỏe mạnh và chủ động phòng chống lại dịch bệnh. Sau đây là 7 cách giúp tăng cường sức đề kháng cần biết
Nên ngủ đủ giấc mỗi đêm
Khả năng miễn dịch của cơ thể và giấc ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Giống như thực tế bạn cũng sẽ thấy được là nếu ngủ không đủ giấc, hay giật mình, không ngủ sâu được,… thì sẽ dễ bị bệnh hơn. Theo một nghiên cứu ở 164 người trưởng thành khỏe mạnh, những ai ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có nhiều khả năng bị nhiễm cảm lạnh hơn những người ngủ 6 giờ trở lên mỗi đêm.
Người lớn nên đặt mục tiêu ngủ từ 7 giờ trở lên trong mỗi đêm, thanh thiếu niên thì cần 8 giờ – 10 giờ còn trẻ em và trẻ sơ sinh thì lên đến 14 giờ trong ngày. Nếu bạn có gặp khó khăn khi ngủ, hãy thử các biện pháp như không sử dụng các thiết bị điện tử (TV, điện thoại, máy tính,…) trong một tiếng trước khi ngủ, vì ánh sáng xanh phát ra từ chúng có thể làm gián đoạn nhịp sinh học hoặc chu kỳ ngủ tự nhiên của cơ thể.
Bổ sung thêm chất béo lành mạnh
Những chất béo lành mạnh từ các loại thực phẩm cũng là các chất giúp tăng cường sức đề kháng. Ví dụ như dầu olive hay cá hồi đều là thực phẩm có chất béo lành mạnh giúp cho cơ thể giảm viêm khi phản ứng miễn dịch với các mầm bệnh.
Dầu oliu còn có tính kháng viêm cao, làm giảm nguy cơ bị mắc các căn bệnh mãn tính như là bệnh tim hoặc bệnh tiểu đường type 2. Bên cạnh đó, một đặc tính chống viêm của dầu oliu là có thể giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Các chất acid béo omega 3 có trong cá hồi và hạt chia cũng đều có khả năng chống viêm rất hiệu quả.
Bổ sung nhiều chất xơ
Một trong những cách giúp tăng sức đề kháng vô cùng đơn giản mà ai cũng biết đó chính là bổ sung thêm nhiều chất xơ. Những loại thực phẩm tốt, có chứa nhiều chất xơ như là trái cây, các loại rau củ quả, các loại hạt. Trong các thực phẩm này chứa nhiều dưỡng chất cùng với khả năng chống oxy hóa rất tốt. Vì thế cơ thể bổ sung nhiều chất xơ này sẽ giúp sức đề kháng tốt hơn, có khả năng chống lại những mầm bệnh gây hại.
Các chất xơ trong thực phẩm thực vật sẽ giúp cơ thể nuôi dưỡng hệ vi sinh vật trong đường ruột hoặc các vi khuẩn lành mạnh ở trong ruột. Nếu quần thể vi sinh vật đường ruột của chúng ta khỏe mạnh thì có thể tăng khả năng miễn dịch và giúp ngăn chặn mầm bệnh có hại thông qua đường tiêu hóa. Và một số loại rau, củ, quả rất giàu vitamin C giúp nhanh khỏi bệnh cảm lạnh hơn.
Ăn nhiều thực phẩm lên men hoặc bổ sung men vi sinh
Các loại thực phẩm lên men bao gồm sữa chua, dưa cải muối, kim chi, nấm sữa kefir và đậu tương lên men (natto). Trong các thực phẩm lên men rất giàu các loại vi khuẩn có lợi cho cơ thể được gọi là men vi sinh, các loại vi khuẩn này hoạt động trong đường tiêu hóa. Nghiên cứu cho thấy, nếu các vi khuẩn đường ruột phát triển mạnh mẽ có thể giúp những tế bào miễn dịch phân biệt được đâu là các tế bào bình thường, khỏe mạnh và các sinh vật gây bệnh có hại.
Theo một nghiên cứu kéo dài trong 3 tháng với 126 trẻ em, những trẻ có uống 2,4 ounce (là 70ml) sữa lên men hàng ngày sẽ có ít hơn 20% bệnh truyền nhiễm so với trẻ không được uống. Bên cạnh đó, nếu bạn không thường xuyên ăn thực phẩm lên men, thì có thể bổ sung men vi sinh bằng nhiều loại thực phẩm chức năng khác có trên thị trường.
Hạn chế đường và tinh bột xấu
Việc cơ thể nạp quá nhiều đường và tinh bột tinh chế có thể khiến cho bạn bị thừa cân, béo phì. Kéo theo đó, tình trạng béo phì còn có thể khiến gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Trong khảo sát với 1000 người mắc bệnh béo phì đã được tiêm phòng vaccine cúm thì khả năng mắc bệnh cao gấp đôi so với người bình thường. Mỗi ngày chỉ nên nạp một lượng đường dưới 5% so với lượng calo hàng ngày (khoảng 2 muỗng canh – là 25g). Công thức này được áp dụng cho người lớn với chế độ ăn là 2.000 calo/ngày.
Các loại bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh béo phì hay các bệnh tim mạch đều có khả năng làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Vì vậy, việc hạn chế nạp đường và các loại tinh bột tinh chế vào cơ thể cũng là một cách giúp bạn tăng sức đề kháng. Ngoài ra thì giảm lượng đường nạp vào cơ thể sẽ giúp làm giảm viêm và hỗ trợ giảm cân rất tốt.
Uống nước đầy đủ
Thật ra thì quá trình hydrat hóa không bảo vệ được hoàn toàn khỏi các loại vi khuẩn hay virus gây bệnh. Nhưng việc bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể là điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe chúng ta. Nếu cơ thể mà không được bổ sung đủ nước có thể gây ra tình trạng đau đầu, đồng thời cản trở các hoạt động thể chất. Bạn cũng sẽ bị mất khả năng tập trung, ảnh hưởng đến tâm trạng, hệ tiêu hóa và các chức năng của tim thận.
Để ngăn ngừa các vấn đề trên thì bạn nên bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể trong ngày. Nhu cầu bình thường của mỗi người là 40ml/kg cân nặng. Nhớ là uống từ từ từng ít một, không nên uống dồn dập hoặc để khi nào khát mới uống nước. Lưu ý một điều là chỉ nên uống nước lọc thay vì sử dụng các loại nước trái cây hoặc nhiều loại nước ngọt khác. Bởi vì nước trái cây và nước ngọt có một hàm lượng đường cao, không tốt cho sức khoẻ và hệ miễn dịch của cơ thể.
Bổ sung thực phẩm chức năng đúng cách
Tất nhiên cách tốt nhất để bổ sung vitamin, các chất dinh dưỡng vẫn là từ các loại thực phẩm, trái cây mà chúng ta ăn hàng ngày. Ngoài ra thì nhiều loại thực phẩm chức năng cũng có thể giúp bổ sung những khoảng trống về các chất dinh dưỡng nếu trong chế độ ăn uống của bạn không đầy đủ.
Tuy nhiên khi sử dụng thực phẩm chức năng nhớ lựa chọn các sản phẩm được cấp phép rõ ràng, có thương hiệu và phù hợp với cơ địa chúng ta. Nếu được thì hãy xin ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để lựa chọn được loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe.
Những đối tượng dễ suy giảm sức đề kháng
Sức đề kháng sẽ rất dễ bị suy giảm khi chúng ta có chế độ sinh hoạt không lành mạnh, môi trường sống bị ô nhiễm, gặp tình trạng căng thẳng nhiều. Đặc biệt là có một số đối tượng dễ bị suy giảm sức đề kháng nên cần phải lưu ý để tăng cường thêm sức đề kháng cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Trẻ em: từ 6 tháng tuổi – 3 tuổi được coi thời điểm “khoảng trống miễn dịch” của trẻ em. Vì hệ miễn dịch lúc này của trẻ chưa được phát triển hoàn thiện nên rất dễ mắc bệnh do sức đề kháng cơ thể còn yếu.
- Phụ nữ mang thai: đây cũng là đối tượng dễ bị suy giảm sức đề kháng tạm thời, luôn đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng cao. Khi mắc bệnh có thể dễ chuyển biến nặng hơn, khó điều trị hơn so với người bình thường vì có một số loại thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai.
- Người cao tuổi: Xét về tuổi tác và bệnh lý thì hệ miễn dịch của người cao tuổi luôn yếu hơn với những người trẻ tuổi. Vì khi cơ thể chúng ta bắt đầu lão hoá thì các tế bào miễn dịch cũng trở nên yếu ớt, già nua và chậm chạp hơn trong việc ngăn chặn, chống lại virus như lúc còn trẻ.
- Người mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, gan, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, sử dụng thuốc (kháng sinh, thuốc chống viêm, corticosteroids, thuốc kháng miễn dịch, thuốc điều trị ung thư…), bị nhiễm các độc tố,… Những đối tượng này rất cần bổ sung thêm những loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chức năng có chứa các chất dinh dưỡng phù hợp để tăng cường đề kháng nhiều hơn.