Nội tiết tố là gì? Có tác dụng gì cho sức khỏe?
Có lẽ ít hay nhiều thì bạn cũng thường nghe đến từ nội tiết tố, nhất là với những chị em phụ nữ đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh với độ tuổi trung niên. Nhưng thật ra thì nội tiết tố xuất hiện cả trong cơ thể của nam giới lẫn nữ giới. Vậy thì nội tiết tố là gì, có vai trò hay tác dụng gì cho sức khỏe chúng ta. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu các thông tin liên quan đến những vấn đề này thì hãy cùng nhau tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
Nội tiết tố là gì?
Bạn đã nghe nhiều đến từ nội tiết tố, sự thiếu hụt nội tiết tố,… Vậy thì bạn có biết nội tiết tố là gì, có tác dụng gì cho sức khoẻ không. Hiểu đơn giản thì nội tiết tố là một hệ thống tập hợp tất cả hormone được tiết ra từ các tuyến nội tiết trong cơ thể. Chúng có chức năng phối hợp với nhau để duy trì các hoạt động bình thường của cơ thể. Các tuyến nội tiết thì không có ống dẫn do đó hormone được sản xuất ra sẽ trực tiếp đi vào trong máu. Một số tuyến nội tiết chính trong cơ thể mà chúng ta hay nghe nói như là: tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy, tinh hoàn, buồng trứng,… Cách thức hoạt động của các nội tiết tố là bằng hình thức giải phóng hormon đi vào máu và truyền đến các cơ quan khác nhau như da, cơ, mô… Từ đó giúp điều chỉnh sự trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển, tâm trạng, chức năng tình dục, sinh sản,… Những tín hiệu được truyền qua hormone có vai trò điều khiển cơ thể hoạt động theo một quy luật hợp lý.
Hiện nay thì các nhà khoa học đã nghiên cứu xác định được có hơn 50 hormone trong cơ thể con người. Mỗi hormone thì đóng một hoặc nhiều vai trò nhất định, ví dụ như: trao đổi chất, cân bằng nội môi, điều hòa huyết áp và lượng đường trong máu, cân bằng chất lòng, chất điện giải và nhiệt độ cơ thể, tăng trưởng và phát triển, chức năng sinh dục, sinh sản, nhịp sinh học, tâm trạng,… Trong số các loại nội tiết tố kể trên thì nội tiết tố nữ với nội tiết tố nam là 2 loại nội tiết tố mà chúng ta nên lưu ý nhiều nhất. Bởi chúng có tính chất quan trọng đối với việc duy trì và phát triển các đặc điểm thể chất và sinh lý điển hình ở nam giới lẫn nữ giới.
Nội tiết tố nữ là gì?
Nội tiết tố nữ có tên khoa học là estrogen, là một loại hormone sinh dục nữ chủ yếu từ buồng trứng tiết ra và một phần còn lại là từ nhau thai, tuyến thượng thận… Sau khi được sản sinh, chúng sẽ đi vào trong máu và gắn lên các thụ thể estrogen ở các tế bào tại mô đích như tuyến vú, cổ tử cung, não, xương, tim… Có thể nói nội tiết tố nữ (estrogen) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn thanh xuân của phụ nữ. Estrogen là nhân tố chính quyết định toàn bộ về các đặc điểm, giới tính sinh lý và sắc đẹp ở phụ nữ. Trong cơ thể phụ nữ, estrogen tồn tại ở 3 dạng là: estrone (E1), estradiol (E2), estriol (E3) và chúng sẽ tương ứng với chức năng và nhiệm vị khác nhau ở tại những giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển cơ thể phụ nữ theo từng độ tuổi. Thực tế thì nội tiết tố nữ (estrogen) không chỉ có ở cơ thể phụ nữ, mà cũng tồn tại ở nam giới. Tuy nhiên, nồng độ estrogen ở nam giới thấp hơn rất nhiều so với nữ giới và không có quá nhiều tác dụng đặc biệt như phụ nữ.
Nội tiết tố nam là gì?
Nội tiết tố nam có tên gọi khoa học là Testosterone, là một loại hormone sinh dục nam chủ yếu được sản xuất ở tinh hoàn (chiếm gần 95%) và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận (khoảng 4%). Đây là nội tiết tố quan trọng đối với nam giới, không chỉ giúp cho đời sống tình dục trở nên viên mãn mà còn hoàn thiện nền tảng sức khỏe của phái mạnh, bao gồm các cơ quan của hệ tuần hoàn, hô hấp, tiết niệu, xương khớp, thần kinh và não bộ. Nồng độ Testosterone sẽ được đo bằng xét nghiệm máu và sự thay đổi của chỉ số hormone này có liên quan đến các vấn đề quan trọng đối với sức khỏe của nam giới. Do đó thì nam giới cần phải thực hiện một lối sống lành mạnh, kiên trì và kỷ luật để giúp cân bằng được nồng độ Testosterone ổn định. Ngoài ra thì ở phụ nữ cũng có tuyến thượng thận và buồng trứng là nơi sản xuất testosterone nhưng chỉ có một lượng nhỏ, không đáng kể.
Nội tiết tố có tác dụng gì cho sức khỏe?
Nội tiết tố là tên gọi chung cho tập hợp nhiều hormone trong cơ thể chúng ta. Mỗi hormone này sẽ có một hoặc nhiều vai trò nhất định và vô cùng cần thiết, quan trọng đối với sự hoạt động của các cơ quan. Tổng hợp lại thì nội tiết tố có 2 tác dụng đặc trưng cơ bản nhất đó là:
Giúp quản lý hoạt động cơ thể
Có thể nói nội tiết tố có ảnh hưởng vô cùng lớn và trách nhiệm quản lý hầu như tất cả mọi quá trình hoạt động của cơ thể. Thông thường, một quá trình hoạt động sẽ được quản lý bởi nhiều hormone khác nhau và mỗi một nội tiết tố chỉ tác động lên một bộ phận của cơ thể nếu các tế bào trong mô đích có các thụ thể nhận được thông báo từ nội tiết tố. Để đơn giản hơn thì bạn có thể hiểu hormone giống như các chìa khóa và các tế bào của mô đích trong cơ thể là các ổ khóa. Nếu chìa khóa nào mở được ổ khóa đó thì nó sẽ hoạt động. Các hormone này sẽ gửi một thông báo đến các tế bào mô đích để từ đó thực hiện một hành động cụ thể.
Có chức năng giao tiếp
Hormone được sử dụng dành cho 2 loại giao tiếp của cơ thể. Đầu tiên là việc giao tiếp giữa 2 tuyến nội tiết với nhau. Một tuyến nội tiết sẽ tiết ra một hoặc nhiều loại hormone, có chức năng kích thích các tuyến khác thay đổi mức độ tiết hormone. Ví dụ là giữa tuyến yên và tuyến giáp, khi tuyến yên giải phóng hormone kích thích tuyến giáp thì tuyến giáp giải phóng hormone giáp. Loại giao tiếp còn lại chính là giữa tuyến nội tiết và cơ quan đích. Mỗi hormone được tiết ra sẽ chứa 1 mệnh lệnh nhất định để truyền tải tới cơ quan đích dành cho một hoạt động cụ thể nào đó. Ví dụ như tuyến tụy giải phóng insulin, insulin tác động lên cơ và gan để giúp xử lý glucose trong cơ thể.
Một số bệnh liên quan đến nội tiết tố
Nếu như có một hoặc nhiều hormone trong cơ thể tiết nhiều hơn hay ít hơn mức bình thường sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết. Đôi khi thì rối loạn nội tiết cũng xảy ra khi cơ thể chúng ta tiết đầy đủ hormone nhưng các thụ thể phản ứng với hormone lại gặp vấn đề. Việc rối loạn nội tiết gây ảnh hưởng trên diện rộng đối với cơ thể. Có một số rối loạn nội tiết phổ biến nhất đó là:
- Mãn kinh
Đây chính là giai đoạn cơ thể phụ nữ mất đi chức năng sinh lý hay chấm dứt các chu kỳ kinh nguyệt do việc giảm chức năng buồng trứng. Những phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh sẽ có các triệu chứng bao gồm: bốc hỏa, ra mồ hôi ban đêm, dễ nổi giận, da khô sạm, rối loạn giấc ngủ, teo âm hộ, âm đạo, không có kinh nguyệt hơn 1 năm,… Đó cũng là lý do trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh thì phụ nữ không chỉ nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh mà cũng cần bổ sung thêm các loại sản phẩm chức năng phù hợp giúp cân bằng nội tiết tố nữ trong cơ thể.
- Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mãn tính, có ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Người mắc bệnh tiểu đường thì trong cơ thể không tạo đủ lượng insulin cần thiết hoặc cơ thể không sử dụng tốt insulin nên làm cho đường trong máu không xử lý hiệu quả dẫn đến việc tăng đường huyết. Tình trạng đường huyết tăng trong một thời gian dài cũng có ảnh hưởng đến một số căn bệnh nguy hiểm khác như: bệnh tim, bệnh thận, bệnh thần kinh… Hiện nay thì vẫn chưa có cách chữa trị dứt căn bệnh tiểu đường, người bệnh sẽ chỉ định chế độ ăn lành mạnh, ít đường tinh bột và phải dùng thuốc hàng ngày.
- Bệnh Graves
Bệnh Graves là một loại bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp). Hormone tuyến giáp có ảnh hưởng đến nhiều hệ thống của cơ thể. Vì thế triệu chứng của bệnh Graves rất nhiều biểu hiện như là: lo lắng, cáu kỉnh, tay run, nhạy cảm với nhiệt, tăng tiết mồ hôi, sụt cân không lý do, bướu cổ, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, rối loạn cương dương hoặc giảm ham muốn tình dục, mắt lồi, mệt mỏi, đánh trống ngực, rối loạn giấc ngủ,… Bệnh Graves có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến hơn là ở những phụ nữ dưới 40 tuổi. Có thể điều trị bệnh Graves bằng cách giảm hàm lượng hormone tuyến giáp.
- Bệnh cường giáp và bệnh suy giáp
Bệnh cường giáp do tuyến giáp tiết quá nhiều hormone giáp trong khi bệnh suy giáp do tuyến giáp tiết quá ít hormone giáp. Cả 2 loại bệnh cường giáp và suy giáp đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do vậy, khi nhận thấy cơ thể mình có các triệu chứng như: ăn không ngon, táo bón, giảm trí nhớ, trầm cảm, giọng khàn và trầm hơn, đau khớp và cơ, giảm ham muốn tình dục, sụt cân không lý do, tiết nhiều mồ hôi, nhạy cảm với nhiệt, mệt mỏi, thèm ăn, mất ngủ… thì cần gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều loại bệnh khác liên quan đến tình trạng rối loạn nội tiết mà bạn nên chú ý như là: ung thư các tuyến nội tiết, u tiết Prolactin, viêm tuyến giáp Hashimoto,…
Trên đây là những thông tin cơ bản về các vấn đề liên quan đến nội tiết tố trong cơ thể con người. Mong rằng qua đó bạn cũng hiểu được phần nào nội tiết tố là gì? Có tác dụng gì cho sức khỏe? Khi có một trong số hormone gặp vấn đề thì cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe thậm chí gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Do vậy, bạn cần khám nội tiết định kỳ hàng năm để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.