Những thông tin cần biết về Cholesterol
Cholesterol hay còn gọi là chất béo, là chất không tan trong nước, có ở tất cả các mô trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của con người. Cholesterol đóng vai trò như một chất chống oxy hóa trong cơ thể, tuy nhiên mức cholesterol cao có thể cảnh báo một vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là tim. Hiểu được cholesterol là gì, có bao nhiêu loại, hoạt động ra sao cũng như cách giữ cholesterol ở mức an toàn như thế nào là những điều cần thiết để bạn có một trái tim khỏe, ít bệnh tật.
Mục lục
Cholesterol là gì?
Cholesterol được biết đến là một chất béo trong máu. Con người đều cần đến một ít cholesterol, cơ thể dùng nó để xây dựng tế bào, sản xuất vitamin và các hormone khác. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều cholesterol, nó có thể làm tắc nghẽn động mạch và dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là bệnh tim.
Cơ thể chúng ta tạo ra tất cả lượng cholesterol cần thiết trong gan nhưng nó cũng có trong thực phẩm mà bạn ăn. Cholesterol trong chế độ ăn uống được tìm thấy nhiều thực phẩm có nguồn gốc động vật, bao gồm thịt, hải sản, thịt gia cầm, trứng và các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, những thực phẩm này cũng có xu hướng chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, khiến gan tạo ra nhiều cholesterol hơn.
Ở các tổ chức lớn, chẳng hạn như Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI) cho rằng, mức cholesterol trong máu cao đóng vai trò trong việc phát triển các tình trạng như xơ vữa động mạch, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch vành, đau tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên và ngừng tim đột ngột.
Các loại cholesterol và cách hoạt động của chúng
Cholesterol được vận chuyển qua hệ thống tuần hoàn nhờ hai lipoprotein, các hạt được tạo ra từ cả chất béo và protein, có chức năng vận chuyển cholesterol từ máu đến tế bào. Theo đó, cholesterol được chia làm 2 loại chính:
Lipoprotein mật độ cao (HDL): Hay còn gọi là cholesterol tốt, bởi nó giúp loại bỏ một số cholesterol LDL khỏi động mạch và đưa nó đến gan, nói chúng bị phân hủy và loại bỏ khỏi cơ thể. Nếu mức HDL cao nó có thể làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác.
Lipoprotein mật độ thấp (LDL): Hay còn gọi là cholesterol xấu, bởi khi có quá nhiều cholesterol lưu thông trong máu (nhiều hơn mức mà HDL thu thập và vận chuyển đi), cuối cùng nó có thể tích tụ dưới dạng mảng bám trên thành động mạch, được gọi là xơ vữa động mạch. Theo thời gian, khi động mạch bị thu hẹp hoặc bị chặn, có thể gây rra các cơn đau tim, đột quỵ.
Triglyceride: Hay còn gọi là chất béo trung tính, là một loại chất béo phổ biến nhất trong cơ thể, được sử dụng để tạo ra năng lượng. Sự kết hợp của chất béo trung tính cao với mức cholesterol LDL cao hoặc HDL thấp có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các cơn đau tim và đột quỵ.
Cách triệu chứng của cholesterol cao
Cholesterol cao là một vấn đề sức khỏe được nhiều người quan tâm, nhất là những người già, người lớn tuổi. Nó được cho là một trong những yếu tố chính dẫn đến xơ vữa động mạch cũng như nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm, chẳng hạn như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Nồng độ HDL – cholesterol trong máu được gọi là cao hơn lớn hơn 240 mg/dl (tương đương với 6,2 mmol/L). Theo đó, một mức cholesterol tối ưu là cholesterol toàn phần khoảng 150mg/dl, cholesterol LDL (có hại) tối đa 100mg/dl và cholesterol HDL (tốt)) tối thiểu là 40mg/dl ở nam và 50mg/dl ở nữ, triglyceride dưới 150 mg/dl.
Nhiều người thường không biết bản thân bị cholesterol cao cho đến khi xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol. Nguyên nhân là bởi vì triệu chứng này không phổ biến, trừ khi bạn có mức cholesterol rất cao. Các triệu chứng phổ biến bao gồm các vết sưng tấy mỡ trên da, thường gặp nhất là ở khuỷu tay, khớp, bàn tay, bàn chân hoặc mông và các vòng màu trắng xám quanh giác mạc của mắt.
Những nguyên nhân khiến cholesterol tăng cao
Như đã nói ở trên, cholesterol cao là một tình trạng xấu cần được kịp thời kiểm soát. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến mức cholesterol của mỗi người:
Di truyền
Tăng cholesterol máu có tính gia đình (hay còn gọi là FH), là nguyên do khiến một người có mức cholesterol xấu cao. Có 2 loại FH: dị hợp tử, là trường hợp một người chỉ thừa hưởng gen bất thường từ cha hoặc mẹ và đồng hợp tử, là trường hợp người đó có hai bản sao của gen bất thường, một từ cha và một từ mẹ. Những người bị FH dễ bị xơ vữa động mạch, thường bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn.
Hút thuốc
Mặc dù hút thuốc không trực tiếp gây ra cholesterol cao nhưng bản thân nó lại gây ra bệnh tim và đột quỵ. Nguy cơ đó cũng sẽ tăng lên nếu bạn có mức cholesterol LDL cao. Lý do là việc hút thuốc có thể làm giảm mức HDL, làm giảm hoặc loại bỏ tác dụng bảo vệ của HDL.
Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là nguyên nhân phổ biến làm tăng cholesterol. Được biết, lượng khuyến nghị của chất béo bão hòa là ở mức dưới 6% lượng calo hằng ngày. Một số các thực phẩm có lượng chất béo loại này cao chủ yếu ở các loại thịt đỏ, dầu nhiệt đới, thực phẩm chiên và sữa béo.
Tuổi tác
Khi chúng ta già đi, quá trình thay đổi chất bị thay đổi, gan cũng không có khả năng loại bỏ cholesterol LDL nhiều như khi còn trẻ. Vì vậy, khi già đi, chúng ta dễ có nguy cơ bị cholesterol cao hơn. Bệnh lý này được chẩn đoán là phổ biến nhất ở nhóm tuổi 40-59.
Giới tính
Một nghiên cứu được công bố trên một tạp chí nổi tiếng cho thấy, nam giới có nguy cơ bị cholesterol toàn phần cao hơn phụ nữ. Lý do được giải thích là do nam giới có mức tiêu thụ cholesterol trung bình cao hơn nữ giới. Ở nữ giới, nguy cơ cholesterol cao tăng dần sau thời kỳ mãn kinh. Khi đó, nồng độ cholesterol LDL tăng cao, trong khi nồng độ cholesterol HDL vẫn giữ nguyên. Điều này khiến cho bệnh mạch vành trở nên phổ biến hơn với phụ nữ sau mãn kinh.
Một số các biện pháp giữ cholesterol ở mức an toàn
Một mức cholesterol vượt ngưỡng cho phép có thể gây tổn thương đến tim của bạn. Cụ thể LDL cao nếu không được chẩn đoán hoặc điều trị cũng như các cholesterol xấu có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ. Đó là lý do mà chúng ta cần giữ cholesterol ở mức lành mạnh. Cụ thể, một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát cholesterol một cách tự nhiên, an toàn.
Chế độ ăn kiêng hợp lý: Để giữ một trái tim khỏe, mỗi người cần hạn chế các thực phẩm chứa chất bẽo bão hòa, chẳng hạn như thịt, các sản phẩm từ sữa, dầu dừa, dầu cọ. Thay vào đó, ăn cá giàu omega-3, các loại trái cây, rau củ và các loại hạt như hạt điều, óc chó, hạnh nhân, mắc ca.
Hoạt động thể chất: Chúng có thể làm giảm LDL, chất béo trung tính và tăng HDL. Để giúp giữ cholesterol ở mức an toàn, bạn cần duy trì các hoạt động thể chất ít nhất 2 tiếng rưỡi hoặc 150 phút mỗi tuần. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch có liên quan đến cholesterol tăng cao sẽ giảm đi nếu bạn thường xuyên chạy bộ, tập aerobic, bơi lội hoặc tập yoga.
Từ bỏ thuốc lá: Hút thuốc là thủ phạm làm giảm cholesterol HDL (cholesterol tốt) giảm đi, đặc biệt là ở phụ nữ và đồng thời làm tăng cholesterol LDL (cholesterol xấu). Để bảo vệ trái tim của mình, hãy tránh tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, bỏ hút thuốc và thuốc lá điện tử.
Quan tâm đến giấc ngủ: Việc ngủ đủ giấc cũng như đảm bảo những giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp chữa lành và phục hồi tim và máu của bạn. Theo đó, trung bình mỗi người cần ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày.
Hạn chế tiêu thụ rượu: Việc uống quá nhiều rượu, cụ thể là hơn 2 ly đối với nam giới và 1 ly đối với phụ nữ một ngày có thể góp phần làm tăng mức cholesterol toàn phần.
Ai cũng biết rằng, cholesterol càng cao thì nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ càng cao. Vì vậy, dù cho sức khỏe bạn bình thường, vẫn nên kiểm tra cholesterol sau mỗi 4-5 năm. Đối với một số người bị bệnh tim, tiểu đường hoặc có tiền sử gia định mắc bệnh cholesterol cao, cần test định kỳ 3-4 lần/năm cùng với thực hiện một số hướng dẫn khác.